Lơ là "chuyện nhỏ", hệ lụy nhãn tiền
Chính trị - Ngày đăng : 09:19, 03/05/2018
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ có nội dung yêu cầu: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp, chịu trách nhiệm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, an toàn thực phẩm và điều kiện nhà vệ sinh trong trường học theo tiêu chuẩn quy định”.
Khi nói đến chuyện vệ sinh của học sinh trong thời gian học tập ở nhà trường, không ít người cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện không có gì đáng nói, mà việc đáng quan tâm hơn phải là vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, là chất lượng đào tạo, là bảo đảm các trang thiết bị phục vụ dạy học... Thế nên, chuyện vệ sinh của học sinh không được coi trọng đúng mức, thậm chí có nơi còn bỏ ngỏ. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nhà vệ sinh ở nhiều trường học bị xuống cấp, hư hỏng, thiếu sự chăm sóc thường xuyên khiến học sinh phải chịu cảnh hôi hám, thậm chí nhiều em sợ phải đi vệ sinh ở trường nên thường xuyên nhịn tới khi về nhà.
Mới chập chững cắp sách đến trường, hầu như các bạn nhỏ nào cũng được thầy cô giáo căn dặn, dạy bảo là phải thường xuyên giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay sạch trước khi ăn uống. Ở các lớp học cấp tiểu học và THCS, trong lớp đều có tấm bảng ghi rõ “Năm điều Bác Hồ dạy” có nội dung “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”. Như vậy, về mặt giáo dục nhận thức và ý thức, các học trò đã được truyền đạt những nội dung cơ bản, cần thiết nhất về bảo đảm vệ sinh thân thể để bảo vệ sức khỏe bản thân và phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, cách đây chưa lâu, thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước có tới 30% số trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không bảo đảm những tiêu chuẩn tối thiểu về môi trường. Tỷ lệ này đối với các trường học ở nông thôn, miền núi là hơn 80%.
Không nên nghĩ rằng chuyện vệ sinh của học sinh chỉ là chuyện riêng tư của các em hay là chuyện nội bộ của mỗi nhà trường. Vì thiếu nhà vệ sinh hay có nhà vệ sinh nhưng không đạt chuẩn là mầm mống chứa nhiều vi khuẩn, virus gây ra các bệnh tiêu hóa, ngoài da, hô hấp... Không những vậy, nếu để tình trạng này tiếp tục tồn tại sẽ kéo theo hệ lụy nhãn tiền như môi trường học đường bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi phát sinh nhiều ổ dịch bệnh; tâm lý và sức khỏe học sinh bị ảnh hưởng. Những hệ lụy này tưởng như “không đáng kể”, nhưng nếu không được quan tâm đúng mức, giải quyết thỏa đáng sẽ tác động không tốt đến tình cảm, niềm tin của học sinh về môi trường giáo dục và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.
Có lớp học khang trang, có sân trường rộng rãi với cảnh quan xanh, sạch, đẹp, có nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt tập thể, có khu vực vệ sinh đạt chuẩn và thường xuyên được chăm sóc, dọn dẹp sạch sẽ... là mong muốn chung của các thầy, cô giáo, đặc biệt là các em học sinh. Bảo đảm những điều kiện này sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và xây dựng môi trường học đường lành mạnh, văn minh. Để làm được việc này, ngoài nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đòi hỏi phải có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì nếu địa phương không hỗ trợ kinh phí cho các trường xây dựng nhà vệ sinh mới và sửa sang, hoàn thiện những nhà vệ sinh đang xuống cấp thì tình trạng học sinh vẫn phải vào nhà vệ sinh... mất vệ sinh là khó tránh khỏi.
BẢO NHƯ