Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn

Xã hội - Ngày đăng : 09:32, 03/05/2018

Là những người nội trợ, các chị em ngày càng quan tâm đến chất lượng thực phẩm, rau xanh để bảo vệ mình và gia đình...


Phụ nữ tham gia chủ yếu vào quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm

Nhận thấy khách hàng ngày càng quan tâm lựa chọn thực phẩm sạch nên chị Nguyễn Thị Chinh, tiểu thương tại chợ Phú Lương, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) thường tìm tới các hộ chuyên nuôi lợn ở khu vực giáp ranh thành phố, trực tiếp chọn những con lợn khỏe mạnh để nhập về bán. Kinh nghiệm gần 20 năm bán thịt lợn đã giúp chị chọn được những con lợn ngon. Vì thế hàng thịt của chị lúc nào cũng bán hết sớm nhất nhì chợ. “Muốn bán hàng lâu dài thì phải bán thịt chuẩn chứ nếu ham rẻ mà mua lợn ốm, lợn bị bệnh thì có ngày mất khách”, chị Chinh nói. 

Hằng ngày, bà Trần Thị Hằng ở đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương) đảm nhận việc chợ búa, cơm nước cho cả gia đình gồm 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Việc lựa chọn thực phẩm sao cho thực đơn luôn thay đổi, đáp ứng khẩu vị của cả nhà mà phải tươi ngon, bảo đảm an toàn luôn khiến bà Hằng mất nhiều thời gian. "Tôi hay mua đồ ăn của những người bán hàng uy tín trong chợ. Thực phẩm của họ tuy giá cao hơn đôi chút nhưng mình tin tưởng được", bà Hằng nói. 

Qua câu chuyện của bà Hằng, chị Chinh có thể thấy việc lựa chọn thực phẩm sạch hiện chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của người mua và lương tâm của người bán hàng. Vì thế, năm 2018, Hội Phụ nữ (HPN) các cấp đẩy mạnh thực hiện chủ đề: “Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn”.

Đến nay, HPN 12 huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo tất cả các cơ sở hội triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Các cấp HPN trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác hành vi vi phạm ATVSTP của người dân; ảnh hưởng của các sản phẩm không bảo đảm ATVSTP đến sức khỏe. Nhiều thông điệp ý nghĩa được truyền đi như “Vì sức khỏe và phát triển bền vững, hãy sản xuất những thực phẩm chất lượng, an toàn”, "Để bảo vệ sức khỏe của bạn hãy lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn"... 

Từ đầu năm đến nay, các cơ sở hội đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 181 buổi tuyên truyền kiến thức về ATVSTP cho 15.161 cán bộ, hội viên trực tiếp tham gia chế biến và kinh doanh thực phẩm, các chủ nhà hàng ăn uống về những thông tin cần thiết để bảo đảm ATVSTP ngay tại gia đình; cách chọn mua, chế biến, bảo quản rau, thịt, thủy sản an toàn... Toàn tỉnh đã thành lập 40 mô hình về ATVSTP do phụ nữ làm chủ như trồng rau an toàn, chế biến giò chả, bánh đa sạch bảo đảm ATVSTP ở thị trấn Gia Lộc và xã Đoàn Thượng (Gia Lộc), các xã Thất Hùng, Thái Thịnh (Kinh Môn), Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Cán bộ HPN các cấp còn tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn tỉnh; đã kiểm tra 964 cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm tại các điểm có tổ chức lễ hội và bếp ăn tập thể, qua đó nhắc nhở 107 cơ sở.

Hoạt động của các cấp HPN đã góp phần chuyển biến nhận thức và hành động của chị em trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.

TÂM PHÚC