Người công giáo sống tốt đời, đẹp đạo
Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 04/05/2018
HTX cá lồng Kim Lai có 20 hộ giáo dân ở khu 16, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) làm ăn hiệu quả, bình quân mỗi hộ xã viên thu nhập từ 14-15 triệu đồng/tháng
Những năm qua, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, đồng bào công giáo Hải Dương đã phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, thi đua thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Làm kinh tế giỏi
Những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng tích cực hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, vốn vay, động viên đồng bào công giáo đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Các gia đình đồng bào công giáo đã xây dựng đa dạng mô hình phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập khá và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
HTX cá lồng Kim Lai ở khu16, phường Ngọc Châu (TPHải Dương) thành lập từ năm 2015 với 20 thành viên là bà con theo đạo. HTX hiện có 80 lồng nuôi các loại cá nheo, lăng, chép, điêu hồng. Từ khi thành lập đến nay, dưới sự tư vấn, hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên môn, HTX này luôn hoạt động hiệu quả. Mỗi năm 1 lồng cá ở đây đạt sản lượng khoảng 2 tấn, doanh thu 80 - 100 triệu đồng, lãi 40 - 50 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ xã viên HTX cá lồng Kim Lai thu nhập từ 14-15 triệu đồng/tháng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương với thu nhập 150.000 đồng/người/ngày.
Xã Tráng Liệt (Bình Giang) có trên 30 xưởng cơ khí chế tạo máy nông nghiệp, xay xát, khuôn mẫu do đồng bào công giáo làm chủ hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Tiêu biểu như các Công ty TNHH: Sản xuất cơ khí Toàn Phát, Sản xuất cơ khí Việt Trung...
Nhiều mô hình trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào công giáo cũng cho hiệu quả cao. Trang trại nuôi cá của gia đình ông Nguyễn Văn Khẩn ở xã Ninh Hải (Ninh Giang) đem lại tổng doanh thu mỗi năm gần 200 triệu đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Hội ở xã Cổ Thành (Chí Linh) có mô hình vườn, ao, chuồng cho thu từ 150 - 200 triệu đồng/năm...
Nhờ sản xuất, kinh doanh giỏi mà cuộc sống của bà con giáo dân không ngừng được cải thiện, cơ sở vật chất ở các giáo xứ, họ đạo ngày càng khang trang.
Đoàn kết xây dựng đời sống mới
Ông Nguyễn Thiện Khải (bên trái), Trưởng Ban hành giáo Giáo họ Thuần Mỹ, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) vận động bà con giáo dân đóng góp 120 triệu đồng làm 3 km đường bê tông theo tiêu chí nông thôn mới
Cùng với phát triển kinh tế, các giáo xứ, họ đạo trong tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ các cấp phát động.
Trong phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giáo xứ Đại Lộ, thôn Đông Lâm ở xã Văn Tố và thôn Ngọc Lý ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) đã vận động bà con giáo dân ủng hộ trên 2 tỷ đồng, hiến trên 1 ha đất, góp hơn 1.000 ngày công lao động làm đường giao thông. Giáo dân họ đạo các thôn Quàn (xã Bình Xuyên), Phú Thứ (xã Cổ Bì), Vạc (xã Thái Học, cùng huyện Bình Giang) hiến trên 10.000 m2 đất làm đường ra đồng và đường liên thôn...
Việc tuyên truyền, vận động bà con giáo dân xây dựng gia đình thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm được các giáo xứ, họ đạo đặc biệt quan tâm. Nhiều gia đình công giáo trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, toàn tỉnh có từ 85 - 96% số gia đình công giáo được công nhận là gia đình văn hóa. Nhiều khu dân cư có đông giáo dân đã phát động phong trào xây dựng giáo xứ, họ đạo, khu dân cư giáo dân an toàn, không có tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông.
Các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được các chức sắc và bà con giáo dân tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu như linh mục chính xứ và Ban hành giáo TP Hải Dương đã quyên góp hàng trăm triệu đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ "Vì người nghèo"; hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hàng tấn gạo... Giáo dân thôn Trung Nghĩa, xã Cao An (Cẩm Giàng) cùng Hội đồng giáo xứ Cao An đã quyên góp tặng 27 xe lăn, 4 tấn gạo cho người khuyết tật tại Bệnh viện Phong (Chí Linh); quyên góp ủng hộ 50 triệu đồng cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt...
Các chức sắc, chức việc, đồng bào công giáo còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Nhiều chức sắc, chức việc và giáo dân là đại biểu HĐND, tham gia Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Không ít người có uy tín được nhân dân tín nhiệm giữ những vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ sở...
TIẾN MẠNH
Đạo công giáo tỉnh Hải Dương trực thuộc Giáo phận Hải Phòng, được chia thành 2 giáo hạt với 38 giáo xứ, 81 họ đạo, 24 linh mục chính xứ, trên 39.000 giáo dân (chiếm 2% số dân toàn tỉnh). Ngoài ra, toàn tỉnh còn có trên 600 chức việc tham gia quản lý tổ chức tôn giáo cơ sở như: Hội đồng giáo xứ, Ban hành giáo xứ, Ban hành giáo họ và 490 tổ chức hội đoàn thường xuyên phục vụ lễ nghi tôn giáo. |