Phòng chống tham nhũng quyền lực
Chính trị - Ngày đăng : 09:02, 10/05/2018
Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi. Những sự "chạy" này thực chất là mua bán quyền lực, một loại tham nhũng rất tai hại.
Trong xã hội, tham nhũng quyền lực thì thời nào cũng có. Xa xưa như thời Chiến quốc ở Trung Hoa, Lã Bất Vi là một thương gia “gan to mật lớn” đã nổi tiếng “buôn vua”. Còn ở ta, dân gian có câu “Vai mang túi bạc kè kè/Nói bậy, nói bạ người nghe ào ào”. Tại sao “có túi bạc” rồi “nói bậy, nói bạ” mà vẫn có người nghe? Chính là tham nhũng quyền lực đẻ ra các loại tham nhũng kia. Đó là vì chức sinh ra quyền, quyền sinh ra tiền và tiền lại sinh ra chức. Cho nên, trong công tác tổ chức cán bộ, xây dựng bộ máy quản lý hiện nay mới có chuyện chạy chức, chạy quyền. Có chức, có quyền thì mới có tiền. Rồi để tiền lại đẻ ra tiền nhiều hơn, quyền lại leo lên quyền cao hơn. Điều đó đã được minh chứng khá nhiều trong các vụ án lớn nhỏ gần đây với một tội danh “lạm dụng chức vụ quyền hạn” khiến khá nhiều cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao phải vào vòng lao lý. Chính vì vậy, chống tham nhũng quyền lực được đặt ra một cách quyết liệt là điều cần thiết bởi có thể nói tham nhũng quyền lực là “cha đẻ” các loại tham nhũng khác.
Để chống tham nhũng quyền lực có hiệu quả thì đầu tiên, Đảng phải kiểm soát được quyền lực trong nội bộ vì bộ máy, cơ quan, đơn vị nào cũng có tổ chức đảng và các đảng viên đều được đảm nhiệm một chức trách hay một nhiệm vụ cụ thể, có quyền hạn, nghĩa vụ rõ ràng. Vì được nhân dân tôn vinh là Đảng cầm quyền nên phải kiểm soát quyền lực ngay trong nội bộ. Việc kiểm soát không thể theo từng đợt, thời gian mà cần phải thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong sinh hoạt chi bộ, tổ chức kiểm tra, tự phê bình và phê bình.
Thứ hai, phòng chống tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ phải bắt đầu từ việc xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Cần có cơ chế minh bạch, đánh giá đúng năng lực phẩm chất qua kiểm tra "sơ tuyển" chặt chẽ để tránh tình trạng “chạy quy hoạch”, “chạy luân chuyển”. Bước tiếp theo là tổ chức thi tuyển công khai, nghiêm ngặt để tìm ra người có tài, có đức, trong đó đức là gốc.
Thứ ba, phải phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ và nhân dân trong sử dụng quyền lực của mình để kiểm soát quyền lực trong Đảng. Quy chế dân chủ và nhiều văn bản khác của Đảng, Nhà nước quy định nhân dân có quyền chất vấn các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, chức vụ cá nhân phải giải trình những vấn đề người dân yêu cầu; phản đối những việc làm trái pháp luật; thanh tra, giám sát các hoạt động; phê phán những hành vi lạm quyền, vụ lợi, đạo đức và lối sống không lành mạnh; thậm chí yêu cầu bãi miễn những cán bộ, đảng viên do dân bầu ra mắc sai phạm nghiêm trọng.
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó có tham nhũng quyền lực còn lâu dài, khó khăn, phức tạp. Nhưng từ những thắng lợi ban đầu sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nổi bật là công tác phòng chống tham nhũng và phát triển kinh tế đang làm nức lòng toàn Đảng, toàn dân, tin tưởng rằng công tác này nhất định thành công và sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ của Đảng ta vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
THẾ NGUYỄN