Núp bóng dự án nuôi thủy sản để bán đất

Bạn đọc - Ngày đăng : 09:22, 12/05/2018

Báo Hải Dương nhận được phản ánh của một số người dân xã Đại Đức (Kim Thành) về hoạt động khai thác cát, đất trái phép tại khu vực đầm Trâm ở ngoài bãi sông Lạch Tray.


Nhiều diện tích đất bãi khu đầm Trâm đã bị khai thác hết

Tình trạng này kéo dài từ tháng 5.2017 tới nay làm cho nhiều diện tích đất bãi biến mất, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và an toàn đê điều.

Sáng 5.5, có mặt tại khu đầm Trâm, chúng tôi thấy nhiều diện tích bãi sông có bờ bao nay nằm giữa dòng nước và có thể biến mất bất cứ lúc nào. Một số cột điện vốn nằm giữa bãi sông đã bị nước bao quanh. Nhiều đoạn bờ ao nuôi thủy sản bị đào bới tan hoang, máy xúc nằm ngay tại nơi vừa khai thác, vết xúc vẫn còn mới.

Theo phản ánh của người dân, một vài tháng trước, hằng ngày có nhiều ô tô tải xuống khu vực này chở đất đi nơi khác. Hằng đêm, nhiều tàu thuyền áp sát bờ bao chở đất bán cho một số nhà máy gạch tuynel trong tỉnh. Một người dân (xin giấu tên) bức xúc: "Trước kia sông cách đê cả trăm mét thì nay chỉ còn vài chục mét là đến chân đê".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đầm Trâm vốn là đất công điền thuộc sự quản lý của UBND xã Đại Đức. Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn Việt ở thôn Kiến Lễ nhận đấu thầu làm khu nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả. Do hiệu quả kinh tế thấp nên từ giữa năm 2017, gia đình ông Việt đã chuyển nhượng cho một người tên Công ở xã Kim Đính (Kim Thành) với số tiền khoảng 9 tỷ đồng để cải tạo thành khu nuôi thủy sản. Từ đó đến nay, tình trạng khai thác  đất cát tại đây thường xuyên xảy ra. Khu nuôi thủy sản bị đào bới tan hoang, có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Hàng vạn m3 đất cát đã bị khai thác, vận chuyển đi nơi khác. Nhiều người dân xã Đại Đức đặt câu hỏi: Phải chăng người nhận chuyển nhượng núp bóng dự án nuôi thủy sản để khai thác đất cát trái pháp luật?

Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Văn Thăng, Chủ tịch UBND xã Đại Đức thừa nhận có tình trạng khai thác đất cát tại đầm Trâm. Ông Thăng cũng cho biết xã có nắm được việc ông Việt chuyển nhượng dự án cho người khác nhưng không qua chính quyền xã và chưa được UBND xã công nhận. "Chúng tôi đã nhiều lần mời ông Việt, ông Công lên làm việc để làm rõ việc chuyển nhượng và xác định trách nhiệm của các bên liên quan nhưng hai ông này không hợp tác. Vì việc chuyển nhượng chưa được công nhận nên ông Việt vẫn là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra khai thác cát, đất trái phép trên diện tích nhận thầu của UBND xã", ông Thăng khẳng định. Theo ông Thăng, do địa bàn phức tạp, lực lượng mỏng nên việc phát hiện, ngăn chặn tình trạng khai thác trộm đất cát của xã gặp nhiều khó khăn.

Xã Đại Đức vốn là một "điểm nóng" về khai thác cát trái phép của huyện Kim Thành. Trước đây, cũng chính vì để người dân tự do chuyển nhượng diện tích đất 03 ở khu vực đồng cây Chanh mà hàng chục ha đất tại đây bị "cát tặc" lấy mất. Để tránh tái diễn tình trạng trên tại đầm Trâm, cơ quan chức năng huyện Kim Thành, chính quyền xã Đại Đức cần tăng cường quản lý, quyết liệt ngăn chặn việc người dân chuyển nhượng trái phép đất đai, tạo kẽ hở cho "cát tặc", "đất tặc" lộng hành.

VỊ THỦY - HOÀNG BIÊN