Chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 13:15, 12/05/2018

Thời gian gần đây, một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành giáo dục và trong dư luận xã hội.


Ảnh minh họa

Do vậy, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.

Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, có giải pháp phù hợp thực hiện nghiêm các quy định, đặc biệt là Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ về trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử của đơn vị tới tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và người học.

Đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nề nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.

Đối với cơ sở đào tạo giáo viên đề ra yêu cầu đổi mới nội dung chương trình, hình thức đào tạo; tăng cường tổ chức các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm.

Có thể cho nghỉ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo

Đối với các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu xây dựng quy chế dân chủ cơ sở trong trường học; rà soát và bổ sung nội dung thực hiện đạo đức nhà giáo trong quy chế hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hằng năm theo quy định.

Những trường hợp vi phạm tùy theo mức độ và quy định, tạm dừng giảng dạy, bố trí làm việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/ hợp đồng lao động.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh, cán bộ quản lý, đặc biệt là người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải gương mẫu, thường xuyên đôc đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, người lao động, người học thực hiệm nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học. Đặc biệt, có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên, nhân viên, người lao động vi phạm đạo đức.

Giáo viên, nhân viên, người lao động phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học trò. Các thầy giáo, cô giáo cần có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự người thầy, luôn “tự soi”, “tự sửa”, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

LP (VGP)