Không có thông tin về kem nội địa Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn mua

Kinh tế - Ngày đăng : 16:11, 12/05/2018

Kem nội địa Trung Quốc được nhiều người khen ngon, hợp túi tiền nhưng thành phần như thế nào, nguồn gốc thực sự ở đâu thì đa phần người dùng khá lơ mơ.


Kem nội địa Trung Quốc trên bao bì ghi toàn tiếng Trung nên người tiêu dùng khó biết được thành phần, thông tin về chất lượng sản phẩm

Không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo quản sơ sài, chất lượng chưa được kiểm định nhưng một loại kem được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc “ngon, bổ, rẻ” lại đang được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh săn lùng mua về ăn thử.

Giá rẻ giật mình

Nghe những lời giới thiệu ngon ngọt của một người bạn chuyên bán hàng trên Facebook, Chị Phạm Thị Thanh ở phố Dương Quảng Hàm, phường Tân Bình (TP Hải Dương) mua một thùng kem nội địa Trung Quốc 40 cái. Chị Thanh nhận xét: "Loại kem này có nhiều vị, nhất là những vị mới mà kem Việt Nam chưa có như hướng dương, hoa hồng, cam đỏ... Giá bán lại khá rẻ, chỉ từ 3.000-5.000 đồng/que nên nhiều người trong công ty tôi đã mua về dùng thử. Đặc biệt, loại kem này có lớp vỏ sô cô la giòn rụm, thơm, ngậy hơn nhiều so với kem của Việt Nam. So với các loại kem cùng chất lượng như merino, Hàn Quốc thì giá rẻ hơn mà lại ngon hơn”.

Một đầu mối chuyên cung cấp loại kem này ở phố Bình Lộc (TP Hải Dương) tiết lộ kem nội địa Trung Quốc được nhập chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Các tiểu thương của Hải Dương thường lấy lại qua một đại lý ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) sau đó đem về phân phối. Kem nội địa Trung Quốc có 12 vị, thường được đóng thành các thùng 40 hoặc 60 que. Vì vận chuyển và bảo quản loại kem lạnh này không dễ nên các tiểu thương thường yêu cầu khách hàng đặt trước rồi mới lấy hàng về bán.


Khi giao cho người tiêu dùng, kem chỉ được bảo quản sơ sài trong một thùng carton, không có bất kỳ thông tin nào về loại kem mới này

Kem nội địa Trung Quốc được nhiều người khen ngon, hợp túi tiền nhưng thành phần như thế nào, nguồn gốc thực sự ở đâu thì đa phần người dùng khá lơ mơ. Chị Vũ Thị Liên, nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp Hàn Quốc trong khu công nghiệp Đại An cho biết: "Tôi thấy ngon thì mua về ăn chứ bao bì toàn tiếng Trung Quốc làm sao đọc được". Quả thật khi mua loại kem này về kiểm tra thì chúng tôi thấy sản phẩm hoàn toàn không gắn thêm nhãn tiếng Việt. Trên bao bì của mỗi que kem hoàn toàn ghi Tiếng Trung Quốc. Một số chiếc hạn sử dụng đã mờ không thể đọc được. Hộp carton lớn đựng 40 chiếc kem thì không nhãn mác, xuất xứ. Đặc biệt, loại kem này chủ yếu được bán trên các diễn đàn mạng xã hội và “ship” đến tận nhà cho người dùng nên các cơ quan chức năng khó tìm được địa điểm để kiểm tra, đánh giá chất lượng.

"Kem nội địa Trung Quốc không thể có giá rẻ như thế", anh Nguyễn Trung Kiên, tiểu thương chuyên kinh doanh quần áo ở chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) khẳng định. Anh cho biết đã từng ăn kem ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh nhưng giá bao giờ cũng từ 3 nhân dân tệ trở lên (tức là khoảng 10.000 đồng/que). Trong khi về Việt Nam giá bán chỉ bằng một nửa. Vậy còn tiền công vận chuyển, tiền hưởng chênh lệch của các tiểu thương ở đâu?

Chưa được kiểm định chất lượng


Kem nội địa Trung Quốc được rao bán chủ yếu trên mạng xã hội

Trao đổi với ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về sự xuất hiện của kem Trung Quốc tại Hải Dương, ông Tuyến cho biết: “Kem là thực phẩm ưa chuộng trong những ngày hè. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở sản xuất cũng như phân phối sản phẩm này. Gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện khá nhiều loại kem nhập khẩu từ Hàn Quốc hay Nhật Bản. Qua kiểm tra, các loại kem này cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Ngay trong thời gian này, các địa phương cũng như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức các đoàn kiểm tra, trong đó có các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát. Tuy nhiên, kem nội địa Trung Quốc thì mới xuất hiện trong dịp hè này, chi cục sẽ sớm lấy mẫu kiểm định chất lượng. Nếu loại kem này không bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm sẽ yêu cầu dừng lưu thông”.

Theo ông Tuyến, mỗi người dân cần tiêu dùng thông minh, lựa chọn sử dụng những loại hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các cơ quan chức năng kiểm định và đánh giá chất lượng.

Khi còn mù mờ về thông tin sản phẩm, chất lượng lại chưa thể kiểm định, người tiêu dùng không nên vì những lời quảng cáo có cánh mà mua kem nội địa Trung Quốc về sử dụng. Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh cần sớm kiểm định và công bố kết quả kiểm tra để người tiêu dùng có cách lựa chọn kem an toàn, chất lượng, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

PV