Xây công trình dưới “cung Thủy Tề”

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 05:55, 13/05/2018

Xây dựng các công trình ngầm dưới nước không hề đơn giản, đôi khi ngay cả các kỹ sư được đào tạo bài bản cũng phải bó tay trước những hạng mục khó.

Ông Vũ Hồng Vĩ (người đứng dưới đất) và đội thợ chuẩn bị cốp pha đi xây trụ cầu ở Hưng Yên


Nhưng với đội thợ xây ở thôn Đồng Đức, xã Thống Kênh (Gia Lộc) do ông Vũ Hồng Vĩ (57 tuổi) làm chỉ huy thì dù hạng mục đó có khó đến mấy vẫn có cách giải quyết.

Không có việc gì khó

Một ngày đầu tháng 5, về thăm trạm bơm cấp nước đầu nguồn ở sông Thái Bình của Công ty TNHH Nước sạch Cộng Lạc (Tứ Kỳ), nghe Giám đốc Vũ Bá Lộc giới thiệu về chiếc giếng thu nước, tôi rất ấn tượng. Chiếc giếng này được đặt ngầm dưới đáy sông, cách bờ khoảng 30 m, ở giữa có chiếc chõ hút nước. Một hệ thống đường ống cỡ lớn cũng được đặt ngầm nối chiếc chõ với máy bơm đặt trên bờ. Ông Lộc cho biết lúc đầu công ty dự định câu vòi ra sông để hút nước bề mặt nhưng thấy vậy không ổn vì đường ống dễ bị tắc do bèo, cỏ rác, chất lượng nước sẽ kém, ngoài ra còn làm ảnh hưởng tới hoạt động giao thông thủy. “Vậy công ty ông đã nghĩ ra cách làm này?”, tôi hỏi. Ông Lộc đáp: “Tôi vắt óc suy nghĩ mà không biết làm thế nào. Cuối cùng được người quen mách nước tới gặp ông Vĩ ở xã Thống Kênh mới thành đấy. Ông ấy nghĩ ra cách này quả thực quá tuyệt vời”.

Ông Lộc kể để hoàn thiện công trình này, nhóm thợ của ông Vĩ mất mấy tháng ròng rã. Nhằm những ngày nước sông cạn nhất, đội thợ gồm 5 - 7 người thay nhau lặn xuống đáy sông sâu 5 - 6 m đào mò, vét sạch bùn, xác định vị trí sẽ làm đáy giếng và đường chôn ống dẫn nước. Họ đổ bê tông đáy và khuôn giếng thu nước trên bờ. Khi bê tông đông cứng, thợ cho dựng cột giữa sông rồi dùng tời đưa từng tấm ra đặt xuống vị trí đã đánh dấu và đóng tụt dần. Nhưng gian truân nhất là việc lắp đường ống dẫn nước từ giếng vào máy bơm trên bờ. Dưới nước, đường ống nhựa to nặng đều trở nên nhẹ bẫng nhưng lại chòng chành, vừa chìm, vừa nổi khiến việc lắp ráp rất khó khăn. Đội thợ của ông Vĩ lặn ngụp cả ngày, dùng đủ cách mới làm xong.

Tôi gọi điện thoại hẹn gặp và được ông Vĩ vui vẻ nhận lời. Không khó để tôi tìm được nhà ông, vì ở xã Thống Kênh cứ hỏi ông Vĩ thợ xây công trình ngầm thì gần như ai cũng biết. Ông Vĩ dáng người cao to, tính tình vui vẻ, dễ gần. Hôm tôi tới gặp, ông đang bận chuẩn bị giàn cốp pha để mang đi thi công trụ cầu bên Hưng Yên. Vừa làm, ông vừa trò chuyện với tôi. Ông Vĩ cho biết mình chưa từng qua một trường lớp đào tạo nào về xây dựng nhưng tự tin nhận những công trình xây dựng ngầm dưới nước, trụ, mố cầu, cống… và có khó đến đâu cũng nhận. Năm1997, ông đi làm thuê cho Công ty Xây dựng đê kè Hải Dương (nay là Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương). Trong những lần đi xây dựng cầu, cống, ông quan sát, tích lũy kinh nghiệm. Năm 2001, ông đi làm thuê tại công trường xây dựng cầu Lương Bằng ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên). Lúc bấy giờ, đơn vị thi công chuẩn bị thực hiện lao dầm nặng hơn 10 tấn nhưng chưa tìm được phương án vì phương tiện kỹ thuật hạn chế. Thấy vậy, ông Vĩ xin chủ thầu được thực hiện công đoạn lao dầm bằng phao nổi. Chủ thầu nhìn ông nghi hoặc nhưng nghe phương án ông giải trình có tính khả thi nên gật đầu. Chủ thầu khoán 10 ngày để hoàn thành hạng mục nhưng ông Vĩ chẳng cần nhiều đến thế. Chỉ sau 2 ngày, bằng việc tạo ra 3 chiếc trụ bằng phao nổi và sử dụng hệ thống dây tời, ông Vĩ đã hoàn thành việc cẩu và đưa dầm cầu từ trong bờ ra đặt đúng vị trí trước sự thán phục của chủ thầu cùng mọi người.

Một năm sau, cũng tại huyện Kim Động, một đơn vị xây dựng ở Hà Nội nhận thầu phá dỡ 3 trụ cầu cũ (mỗi trụ nặng khoảng 25 tấn) để thanh thải lòng sông. Phương án của đơn vị này đưa ra là đập phá trụ cầu nhưng bên thủy lợi không nhất trí vì sợ bê tông vỡ vụn xuống càng làm ách tắc dòng chảy. Đơn vị thi công bỏ cuộc, ông Vĩ liền nhận. Ông hợp đồng thuê thêm người lặn xuống đào hết lớp bùn đất dưới chân các trụ cầu, sau đó sử dụng dây cáp buộc xung quanh rồi dùng tời kéo lên tận bờ. Một cách làm rất đơn giản nhưng hiệu quả. Vài tháng sau, cũng tại tỉnh Hưng Yên, một cây cầu được xây trụ giữa nhưng không thể làm cốp pha để đổ bê tông do không ngăn được nước. Trong 3 tháng ròng rã, đơn vị thi công làm đủ mọi cách nhưng nước vẫn tràn vào bên trong. Họ nhờ tới ông Vĩ và chỉ mất đúng 10 ngày, bằng việc vét hết sạch bùn, cát dưới đáy và chằng chéo thêm để cố định hệ thống cốp pha, nước đã không thể xâm nhập vào.



Xây dựng các công trình ngầm là một công việc rất vất vả. Trong ảnh: Đội thợ của ông Vũ Hồng Vĩ đã phải ngụp lặn cả ngày mới hoàn thành công đoạn lắp đường ống ngầm nối bể thu nước với máy bơm trên bờ của Công ty TNHH Nước sạch Cộng Lạc

Từ đó, tiếng tăm ông Vĩ lan rộng. Ông liên tục được các đơn vị thi công trong và ngoài tỉnh mời mỗi khi gặp khó trong xây dựng các công trình ngầm dưới nước. Có năm, đội thợ của ông còn vào tận xã Bá Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) để làm cầu tuần tra biên giới Việt - Lào. Ông Vĩ chia sẻ đó là công trình mà nhà thầu đã bỏ cuộc vì giao thông đi lại rất khó khăn, mưa nhiều, hơn nữa cầu lại xây dựng theo kiểu căng kéo, sử dụng công nghệ cao. Nhờ mày mò nghiên cứu mà sau gần nửa năm, đội thợ của ông cũng xây xong chiếc cầu này. Ông cười bảo: “Không có việc gì khó, biết suy nghĩ sẽ tìm ra giải pháp”.

Nghề vất vả

Đội thợ của ông Vĩ có gần 10 người, chủ yếu ở trong xã và những địa phương lân cận. Họ đều là những lao động tự do, có sức khỏe tốt, chưa từng qua trường lớp nào. Dưới sự chỉ huy của ông Vĩ, tất thảy mọi việc từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản tới phức tạp đều được họ làm trơn tru.

Làm thợ xây bình thường đã vất vả nhưng đi xây các công trình ngầm lại càng vất vả gấp bội và đôi khi còn đối diện với nhiều nguy hiểm. Ông Vĩ cho biết khi làm mố cầu phải ghép khung trụ xung quanh. Đội thợ của ông phải làm hết các công việc, từ ghép cốp pha đến lặn xuống nước để vít các khe hở trước khi bơm. Để làm được điều này phải tính được áp lực nước. “Càng xuống sâu áp lực nước càng lớn nên việc thi công sẽ gặp khó khăn. Các công đoạn phải được tính toán kỹ với yêu cầu tính mạng con người là trên hết”, ông Vĩ nói.

Thi công lắp đặt một số hạng mục liên quan đến đường ống dưới nước rất khó, phải định vị hướng từ trước vì chỉ lệch vài chục cm là phải làm lại. Hôm lắp đường ống cho giếng thu nước của Công ty TNHH Nước sạch Cộng Lạc, cả đội thợ mất 1 ngày ngụp lặn mới lắp được đầu cút vào chiếc chõ. Làm xong ai cũng mệt phờ.

Một lần đội thợ của ông Vĩ đang ghép cốp pha để làm trụ cầu Bồng ở xã Kim Tân (Kim Thành), do áp lực nước lớn nên một con ốc của khung trụ bị tuột, nước xung quanh ào ào tràn vào khiến anh em một phen thót tim. Sau này rút kinh nghiệm, đội thợ của ông không bắt ốc xung quanh nữa mà hàn cố định luôn trên bờ, xuống nước chỉ dùng một con ốc khóa duy nhất.

Anh Vũ Hảo Tảo (48 tuổi), một thành viên thuộc đội thợ xây của ông Vĩ cho biết lặn xuống nước độ sâu vừa phải thì không sao, nhưng gặp chỗ quá sâu thì phải sử dụng ống thở. “Xuống nước chẳng nói trước điều gì, lắm lúc lặn sâu cũng buốt tai, nhức óc lắm. Anh em trong đội ai cũng bơi và lặn giỏi nhưng không thể chủ quan. Khi nào không chịu nổi áp lực nước thì phải ngoi lên nghỉ ngơi một lúc rồi lại xuống, cứ cố làm là sẽ bị chuột rút hoặc hụt hơi thì nguy”.

Việc thi công những công trình ngầm thường diễn ra vào ngày hè hoặc mùa khô. Cũng có lúc vì yêu cầu của khách nên đội thợ của ông Vĩ làm cả mùa đông. Những ngày giá rét, lặn xuống nước giống như một cực hình nhưng vì miếng cơm, manh áo mà họ vẫn phải làm. Anh Tảo bảo làm dần sẽ quen, uống ngụm nước mắm, nhai vài lát gừng, chạy khởi động mấy vòng cho nóng người là nhảy ùm xuống nước. Tất nhiên hôm nào nhiệt độ xuống thấp quá thì phải nghỉ. Những ngày bình thường, mỗi thành viên trong đội thợ của ông Vĩ nhận được tiền công 300.000 - 400.000 đồng/ngày (tùy thuộc vào độ khó của công trình), còn những ngày mùa đông thu nhập sẽ cao hơn. 

Nghề xây dựng công trình ngầm dưới nước tuy khó khăn, vất vả, nhưng vì cuộc sống, họ vẫn gắn bó với nghề.

TIẾN MẠNH