Bên cầu Mường Thanh
Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:01, 13/05/2018
Một ngày như mọi ngày, chợ Mường Thanh họp đông vui và náo nhiệt. Gọi là chợ nhưng nó không khang trang như chợ trong TP Điện Biên Phủ. Toàn lều bạt che chắn tạm bợ. Chợ dài chừng vài trăm mét, dọc theo con đường nhỏ dẫn lên cầu Mường Thanh. Hàng quán san sát dưới dãy hoa ban trắng đang mùa nở rộ. Người bán trải tấm nilon nhỏ xuống đất và bày lên đó những thứ do nhà mình làm ra, kiếm được. Một con dao đi rừng, một mớ tôm cá hay một mớ rau rừng. Ngay đầu cầu có cả quán giải khát. Những cô gái người Thái xinh đẹp, lưng đeo gùi, gương mặt tươi tắn, cái miệng trái tim, hàm răng trắng bóng, nhỏ và đều như hạt bắp. Khi nói khi cười đến là duyên. Không ai để ý đến một ông già ngoài 80 tuổi mái đầu như đội bông nơi cuối chợ. Dáng ông hơi còng trong bộ quân phục còn khá mới. Không quân hàm quân hiệu. Ông đứng lặng hồi lâu, hướng cặp mắt mờ đục ra mọi phía như đang xác định một cái gì đó. Rồi ông men sát mé đường dẫn lên cầu. Hình như ông đang định hướng bằng ký ức của mình. Từng bước, từng bước. Có cái ngỡ ngàng của người đi xa lâu ngày trở về. Lại có vẻ như thân thuộc. Cầu Mường Thanh nằm vắt qua sông Nậm Rốm nối bờ đông với bờ tây. "Hơn sáu chục năm rồi còn gì", ông lẩm bẩm. Hàng lan can sắt lỗ chỗ vết đạn. Tất cả vẹn nguyên như nhắc nhở chính nơi đây đã xảy ra một cuộc chiến, vừa ác liệt vừa đẫm máu, giữa những người dân không chịu cúi đầu làm nô lệ với kẻ xâm lược. Ông già đứng lặng hồi lâu, mái đầu bạc hơi nghiêng. Ông như nghe thấy tiếng sóng của dòng Nậm Rốm, tiếng đạn bắn vào thành cầu chát chúa, tiếng nổ dữ dội của 10 quả thủ pháo cùng lúc. Bàn tay ông chạm nhẹ lên lỗ thủng do đạn bắn. Cử chỉ rất nương nhẹ. Như thể đây là da thịt một con người. Cầu Mường Thanh không trụ ở giữa đã muốn võng xuống. Như cái lưng của ông khuất phục trước thời gian. Ông nhích dần vào giữa cầu. Lặng lẽ và kiên nhẫn. Sóng gió trong lòng ông thổi ào ào như bão. Ấn tượng của những tháng ngày xa xưa cứ dồn dập tràn về. Nao nao và thổn thức.
Mười bẩy tuổi, Kiểm nhập ngũ. Chiến dịch Điện Biên Phủ chuẩn bị bước sang đợt tấn công thứ 3. Quê Kiểm ở một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Lần đầu tiên Kiểm được nghe tiếng gió rừng khi trầm buồn hun hút, lúc lại ngân lên vời vợi. Suối ngập, đèo hiểm. Kiểm được bổ sung về Đại đội 12 do anh Thảo là Đại đội trưởng. Thời gian chuẩn bị cho đợt tấn công mới gấp gáp. Kiểm chỉ biết về Thảo qua lời tự giới thiệu của anh hôm đầu gặp gỡ. "Họ và tên: Nguyễn Văn Thảo. 23 tuổi. Thành phần cố nông. Nhập ngũ năm 1949. Mới cưới vợ được nửa năm, con chưa biết có hay không. Từ ngày vào chiến dịch không nhận được tin tức gì. Quê Thái Bình". Nói xong anh Thảo cười thoải mái, để lộ hàm răng hô đến là ngộ. Thế cũng là quá đủ để hiểu nhau. Anh Thảo rất quan tâm đến đám lính mới tò te. Anh dạy từng động tác lên đạn, giương súng, từ cách nằm bò đến cách đào công sự. Ngay trong chiến hào đầy bùn và nước mưa. Có vẻ anh Thảo quan tâm đến Kiểm nhiều hơn. Hẳn anh thương Kiểm "thư sinh ẻo lả" quá chăng? Kiểm cũng rất quý anh. Những ngày này rét và đói. Cái rét tháng ba cắt gan cắt ruột. Mặt trận lại quá xa hậu phương. Đèo cao rừng rậm và kẻ thù luôn cản bước quân ta. Lương thực, vũ khí nhiều lúc lên không kịp. Đến bữa mỗi người chỉ được một nắm cơm con con, nhão nhoét vì mưa. Vẫn phải ăn để lấy sức chiến đấu. Thảo lại nhường nửa nắm cơm ấy cho Kiểm. "Mày đang tuổi ăn tuổi lớn, cần ăn nhiều. Tao chịu đói quen rồi". Thảo bảo Kiểm vậy. Anh nói có thể đúng. Năm 1945 cả gia đình anh bị chết đói dọc đường 10. Bản thân anh cũng suýt chết nếu không được một ai đó động lòng trắc ẩn cho nửa bát cháo cám.
Cái ngày 7.5.1954 ấy cứ đọng mãi trong lòng Kiểm như một quả núi sừng sững. 6 giờ sáng, lệnh tổng công kích vào các cứ điểm còn lại được ban bố. Các đơn vị không cần chờ đến tối, đồng loạt tấn công. Đại đội 12 được lệnh khai thông và bảo vệ cầu Mường Thanh. Ngay từ nửa đêm Thảo đã hối thúc tổ nuôi quân nấu thật nhiều cơm cho cả bữa ăn trưa. Anh bảo: "Có thể chúng ta đánh suốt ngày nữa đấy. Cứ chuẩn bị sẵn. Không thừa đâu". Tính anh vẫn vậy. Chỉn chu và lo toan như người mẹ tảo tần. Anh cẩn thận kiểm tra trang bị vũ khí của từng người.
Nhưng trận chiến không như dự kiến. Nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn khiến kẻ địch chống trả quyết liệt. Đại đội chỉ còn cách đầu cầu bờ đông hơn trăm mét, bất ngờ khẩu trọng liên 4 nòng bên bờ tây bắn sang như vãi mạ. Ngay loạt đạn đầu nó đã quật ngã gần nửa tiểu đội của trung đội đột phá khẩu. Một lần tấn công. Thêm lần nữa tấn công. Lại thêm lần nữa. Vẫn vậy. Chẳng hơn gì mấy đợt trước. Bộ đội bị khẩu trọng liên quái ác ghim chặt xuống mặt đường trống trải. Mấy lần tấn công vỗ mặt đã khiến trung đội trưởng đột phá khẩu cùng gần hai chục chiến sĩ hy sinh. Bốn họng súng máy gào lên hàng tràng, dài đứt hơi. Đạn quật đôm đốp, lia lịa xuống mặt đường, vào thành cầu. Mắt Thảo như tóe lửa nhìn sang bên kia sông Nậm Rốm. Như mắc cục nghẹn ngang nơi cổ họng, Thảo thở dốc, nuốt khan, yết hầu nổi cục, nơi khóe môi giật giật. "Trung liên... trung liên... đâu?". Thảo lắp bắp thét lên. Tiếng anh chìm trong tiếng gầm nặng nề của hai chiếc Dakota đang lượn lờ trên khung trời hẹp. Còn đâu trung liên và người xạ thủ. Người và súng đã hy sinh ngay từ loạt đạn đầu tiên của kẻ thù. Mà dẫu còn thì một khẩu trung liên cầm tay chắc gì đã làm trầy da tróc vảy khẩu trọng liên 4 nòng có công sự và lá chắn thép bảo vệ. Thảo quỳ một chân, người hơi nhỏm dậy như đang chuẩn bị xung phong. Thấp thoáng trong khói và bụi, một tốp ba, bốn chiến sĩ lúp xúp vượt qua mặt đường ấp vào khoảng ta luy hiếm hoi. Mặt Thảo tái dại, méo mó và uất ức. Vào chính lúc đó, phía sau đại đội, dồn dập tiếng động cơ. "Xe tăng, anh Thảo ơi". Anh Thành, Trung đội trưởng Trung đội 2 kêu to. Quả đúng là xe tăng thật. Tiếng động cơ của nó sầm sập dội tới. Cành... cành... Chưa thấy xe đã thấy đạn pháo của chiếc xe tăng nổ tung vào đội hình đại đội. Thì ra đồi A1 bị thất thủ, lũ giặc rút về bảo vệ sở chỉ huy. Thành càu nhàu: "Khỉ thật. Mấy bố A1 đánh đấm kiểu gì lại để con bọ hung này thoát được nhỉ?". Anh Thảo an ủi: "Thôi, trót rồi. Tớ giao cho cậu thằng tăng này. Còn thằng trọng liên kia để tớ liệu". Cành... cành... Tiếng pháo trên chiếc xe tăng bắn thẳng cày tung mặt đường. Ngay lập tức Thảo nhổm hẳn dậy. Thành hỏi giọng khàn hẳn đi: "Lại xung phong à? Trời ơi, không được đâu. Thật đấy". Cây cầu Mường Thanh không dài lắm, không rộng lắm mà vào giờ phút sinh tử này sao nó vời vợi ngàn trùng thế. Muốn vượt qua thử hỏi phải đổ bao nhiêu máu cho vừa? Thảo bảo: "Đừng lo. Phần cậu thằng tăng. Năm quả thủ pháo là đủ. Nhớ quăng vào xích ấy". Bọn lính Pháp bên kia sông dường như đoán được ý định của Thảo, chúng bắn xối xả vào nơi Thành đang nấp. Thành chờ ngớt tiếng súng, vọt lên. Đúng lúc chiếc xe tăng xuất hiện nơi chỗ quẹo. Nhoáng một màu lửa đỏ chói, kèm theo tiếng nổ như sét đánh. Tiếng động cơ xe tăng như bị chém lìa. Kiểm mừng rỡ: "Xong rồi". Thảo thở phào đưa ống tay áo lên gạt mồ hôi đang túa ra nơi mặt. Vẻ hài lòng. Ngay lúc ấy Thảo chưa kịp nghĩ đến người Trung đội trưởng Trung đội 2 sẽ không bao giờ trở về nữa. Tiếng trọng liên bên kia sông kéo anh lập tức trở lại thực tế. Thảo rên lên vì bất lực: "Giá như có hỏa lực trợ chiến thì hay quá. Một khẩu cối 60 hoặc một khẩu DKZ 75 cũng được". Nhưng bây giờ đào đâu ra. Hơi thở Thảo đột nhiên gấp gáp như sợ ý nghĩ bay mất. Anh bảo Kiểm: "Mày tập trung cho tao 10 quả lựu đạn. Chỉ mình tao thôi. Nhắc anh em yểm hộ. Khi nào nghe tiếng thủ pháo nổ là đồng loạt xung phong. Nghe rõ chưa?". Anh ấn khẩu tiểu liên Tuyn vào tay Kiểm: "Mày giữ hộ. Ờ... mà nếu tao có mệnh hệ gì thì coi như tặng mày đấy". Chuẩn bị xong xuôi, anh Thảo lao đi, người khom gần sát đất. Anh trườn theo ta luy đường dẫn lên cầu. Mọi người gào to: "Thấp xuống, thấp cái đầu xuống, anh Thảo ơi". Mặc cho đạn réo bên trái, đạn réo bên phải, mọi người nín thở dõi theo bóng Thảo. Dường như Thảo cũng cảm nhận được hơi thở khủng khiếp của cái chết đang chập chờn bủa vây quanh mình. Đôi lúc thấy anh nằm yên như vừa bị trúng đạn, lúc lại trườn như con rắn tinh quái. Không một lần ngoái lại, bóng anh cứ nhích dần ra bờ sông. Rồi bóng anh chìm hẳn trong khói lửa, bụi đất và sương mù. Thời khắc dài như một thế kỷ. Kẻ thù không hề có cảm giác thần chết đang chuẩn bị đón chúng. Chúng thản nhiên bắn như điên cuồng. Tiếng nổ chồng lên nhau tướp táp không gian. Nồng nặc mùi thuốc súng, mùi máu tanh nồng. Ý chí của cả hai bên đều căng ra.
Sau một tiếng nổ lớn của 10 quả thủ pháo, tiếng súng của khẩu trọng liên câm bặt. Toàn đại đội ào lên vượt cầu Mường Thanh. Giờ chỉ còn tiếng kêu gào của những kẻ bị thương và bước chân chạy thình thịch. Khói bụi tan dần. Trận chiến đã an bài. Nhiệm vụ trung đoàn giao cho Đại đội 12 thế là chu tất. Nhưng rõ ràng trong lòng Kiểm vẫn còn có cái gì đó đè nặng. Phải chăng vì vết thương anh Thảo nặng quá. Không ai hiểu Thảo bị thương từ khi nào. Lúc vượt đường tiếp cận bờ sông? Lúc bơi qua sông? Hay khi áp sát khẩu trọng liên 4 nòng? Kiểm nhìn anh đăm đắm, nói nhỏ: “Anh cứ yên tâm lui về tuyến sau chữa trị. Chúng em quyết giữ cây cầu này để đại đoàn ta tiến vào hầm tướng Đờ Cát. Hả? Anh cần gì?”. Tiếng Thảo thều thào, toàn gió và hơi thở yếu ớt. Dù tập trung hết thính lực Kiểm cũng không thể nghe được Thảo nói gì. Dường như đau quá, Thảo vật vã nghiêng hết bên nọ sang bên kia. Có tiếng rên khẽ. Hàm Thảo căng cứng. Anh dùng hai cùi tay cố nhấc người lên khỏi chiếc cáng. Anh hướng mặt về khẩu trọng liên bị đổ vật sang bên. Bốn cái nòng quăn queo dị hợm. Một chục quả thủ pháo đã làm mất đi vẻ oai phong lẫm liệt một thời của nó. Nó trở nên méo mó, trần trụi và thảm hại. Mắt Thảo rực sáng, môi khẽ động như mỉm cười. Đồng đội vây quanh anh. Không ồn ào thăm hỏi. Chỉ có những bàn tay siết chặt những bàn tay. Khi chiếc cáng rời cầu Mường Thanh khá xa, Kiểm mới giật mình: "Quên chưa hỏi kỹ xem anh Thảo ở thôn xã nào tỉnh Thái Bình. Và người vợ anh hiện ở đâu. Cảm giác tự trách mình cứ dằn vặt lòng Kiểm. Từ cái buổi sáng đầy sương mù ấy Kiểm không còn được gặp anh Thảo nữa.
Ông Kiểm ngưng kể. Người lính già cúi đầu thở, vẻ nặng nhọc. Tôi lặng lẽ đặt vào tay ông ly nước. Hình như ông không khát nước. Ông khát một thứ khác, khát hơn nửa đời người rồi. Một thứ khát cao cả và thiêng liêng. Chợt ông ngẩng lên hỏi tôi: "Anh viết văn hả?". Tôi gật đầu. Ông Kiểm nói tiếp, giọng chùng xuống: "Anh viết giúp tôi câu chuyện này như nó đã từng xảy ra. Cả tên người nữa. Biết đâu anh Thảo còn sống, hoặc con cháu anh nhận được tin này, chúng tôi sẽ có cơ hội gặp nhau. Hơn sáu chục năm rồi. Sáu chục năm là gần cả đời người đấy, anh biết không..."
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN