Dạy con trẻ: Người lớn phải làm gương

Xã hội - Ngày đăng : 13:25, 14/05/2018

Trẻ em như tờ giấy trắng và tờ giấy đó cũng chính là sự phản chiếu của những lời nói, hành vi, thói quen của người lớn mà trẻ tiếp xúc hằng ngày.


Không ít ông bố, bà mẹ chở con đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm

Sau này trẻ trở thành người như thế nào phụ thuộc rất lớn và sự giáo dục, uốn nắn của gia đình và nhà trường. Vì thế, muốn trẻ nên người, trước hết người lớn phải trở thành một tấm gương tốt để trẻ noi theo. 

Ông Nguyễn Văn L. ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) có thói quen mỗi khi nói chuyện thường đệm thêm một vài câu chửi thề. Nó trở thành những câu cửa miệng của ông. Ngay cả khi có mặt cháu nhỏ, ông cũng không từ bỏ thói quen này, thậm chí nó còn xuất hiện cả khi ông nhắc nhở con cháu. Học từ ông nên đứa cháu tầm 7 tuổi của ông bắt đầu thốt ra những câu nói bậy, nhưng ông L. không hề phê bình, chấn chỉnh mà còn cười xòa, coi đó là điều hết sức bình thường. Nhiều vị khách đến chơi không khỏi ngượng ngùng, ái ngại thay cho gia chủ. 

Chúng tôi có mặt ở cổng Trường Tiểu học Thanh Bình (TP Hải Dương) vào tầm tan học cuối buổi chiều. Dù ngay sát cổng trường có khẩu hiệu “Hãy bảo vệ con bạn bằng cách đội mũ bảo hiểm cho trẻ” nhưng dường như rất ít phụ huynh quan tâm đến vấn đề này. Rất nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi được người thân đưa đón bằng xe gắn máy. Thậm chí có trường hợp cả phụ huynh và học sinh đều không đội mũ bảo hiểm. 

Cũng không khó bắt gặp những phụ huynh vứt luôn rác xuống đường trong khi đưa con đi học, đi dạo công viên. Những túi nilon, hộp xốp được người lớn thẳng tay ném xuống không thương tiếc trong khi thùng rác cách đó không xa. Họ không mảy may quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh và đôi khi họ cũng không hề biết chỉ mới hôm qua con em mình được học cách giữ vệ sinh môi trường, vứt rác đúng nơi quy định. Cũng không khó để bắt gặp hình ảnh các ông bố, bà mẹ chở con vượt đèn đỏ thay vì dừng lại theo đúng quy định.

Theo tiến sĩ tâm lý Phạm Trung Thanh, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh thì việc giáo dục trẻ hết sức quan trọng và phải bắt đầu ngay từ những năm tháng đầu đời của trẻ. Gia đình chính là ngôi trường đầu tiên, ông bà, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của trẻ. Không thể có trò tốt nếu như người thầy không gương mẫu. Những hành vi, thói quen xấu của ông bà, cha mẹ diễn ra hằng ngày, thường xuyên sẽ tạo ấn tượng vào trong trí não của trẻ. Và ở trong tầm tuổi trẻ bắt đầu có nhận thức, dần hình thành tính cách thì chúng thực sự rất có hại. Ông bà, cha mẹ là người thầy đầu tiên nên trẻ luôn cho rằng lời nói, hành vi của họ luôn luôn đúng. Bởi thế khi trẻ bắt chước, học theo những thói quen xấu mà không bị nhắc nhở, phê bình thì trẻ cho rằng điều đó là hiển nhiên đúng. Ông bà, cha mẹ không thể yêu cầu trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, sách vở, đồ dùng học tập sạch sẽ trong khi bản thân mình lại là người lộn xộn, bừa bộn. Càng không thể cấm hoặc hạn chế con trẻ sử dụng điện thoại thông minh trong khi người lớn thường ôm khư khư điện thoại lướt web, mạng xã hội mỗi khi rảnh rỗi.

 Để giáo dục, uốn nắn con trẻ, người lớn cần từ bỏ thói quen, hành vi xấu của mình. Đừng vì lý do nào đó để trẻ học theo thói quen xấu, những điều chưa tốt. Hãy để mình trở thành những người thầy đầu tiên mẫu mực, là tấm gương cho trẻ noi theo.  

HUYỀN TRANG