Giám sát, kiểm soát quyền lực

Chính trị - Ngày đăng : 08:39, 15/05/2018

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã kết thúc, đáp ứng mong đợi của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Vấn đề không để cán bộ lạm dụng quyền lực dẫn đến tha hóa là nội dung được thảo luận, quan tâm rất nhiều tại hội nghị. 

Đề án do Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra giải pháp làm thế nào để kiểm soát được quyền lực ngay trong công tác cán bộ, ngăn ngừa tình trạng tha hóa, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền... Trong đó, có một điểm được nhiều người quan tâm, chú ý là: “Thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ”.

Thực ra, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (tháng 1.2009) đã quy định: “Thực hiện tốt cơ chế giám sát của MTTQ, của nhân dân với cán bộ và công tác cán bộ”. Nhưng thời gian qua, việc cụ thể hóa nội dung này chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Đến cuối năm 2013, Bộ Chính trị mới ban hành Quyết định số 217, kèm theo đó là Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhưng trong quy chế đó không có cơ chế giám sát về công tác cán bộ (chỉ có giám sát cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ) và không có phản biện các dự thảo nghị quyết, đề án của cấp ủy về công tác cán bộ. Chính vì thế, công tác cán bộ vẫn chỉ “bó hẹp” trong nhiệm vụ của cấp ủy, thiếu công khai, minh bạch theo đúng nghĩa.

Để thể chế hóa, cụ thể hóa công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, cần bổ sung nội dung, hình thức giám sát công tác cán bộ trong Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; bổ sung nội dung, hình thức phản biện các dự thảo nghị quyết, đề án của cấp ủy về công tác cán bộ của cấp ủy các cấp.

Trong Quy định số 105-QĐ/TW ngày 10.12.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, cần bổ sung thêm một bước lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú của cán bộ được giới thiệu trước khi thực hiện bước 5 là tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự. Bổ sung thêm bước này, “bức tranh” về một cán bộ chuẩn bị được giới thiệu, đề bạt vào các vị trí quan trọng sẽ được đánh giá đầy đủ hơn, là cơ sở để cấp ủy thảo luận và quyết định.

Quy định Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy không phải là người địa phương không phải là vấn đề mới, đã được đề ra từ các nhiệm kỳ trước, nhưng chưa thành quy định “cứng” nên thực hiện thiếu nhất quán. Mặt khác, trong Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về luân chuyển cán bộ có quy định nhiều chức danh thuộc diện luân chuyển. Ngoài Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy còn có Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện. Vậy sẽ thực hiện quy định này thế nào nếu Nghị quyết Trung ương 7 ban hành chỉ quy định chức danh Bí thư?

Nếu thực hiện được và thành nền nếp việc luân chuyển các chức danh lãnh đạo chủ chốt nêu trên thì công tác giám sát, kiểm soát quyền lực cán bộ sẽ đạt hiệu quả cao. Nửa cuối nhiệm kỳ là thời điểm luân chuyển hợp lý, bởi một đồng chí được luân chuyển đến địa phương mới còn đủ thời gian (1-2 năm) để chứng minh năng lực công tác, phẩm chất đạo đức và tạo uy tín để bước vào ứng cử khóa mới. Nếu sau Đại hội Đảng bộ mới luân chuyển và lại “rút về” trước Đại hội thì việc thử thách, rèn luyện sẽ kém đi hiệu quả.

Hy vọng sau Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ có nhiều chuyển biến, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.

LƯƠNG ANH TẾ