Băn khoăn chất lượng đầu vào các trường đại học. Bài 1: Tự xác định ngưỡng đầu vào: Chất lượng có bảo đảm?
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 07:05, 16/05/2018
Học sinh Trường THPT Trần Phú (Chí Linh) nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Ảnh: Danh Trung
Bắt đầu từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ bỏ quy định điểm sàn (ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào) đối với các trường đại học. Điều này như "cởi trói” cho các trường trong việc tuyển sinh. Tuy nhiên, dư luận xã hội không khỏi băn khoăn về chất lượng đầu vào.
Trường mừng, trường lo
Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT ngày 1.3.2018 của Bộ GDĐT quy định đối với các ngành không đào tạo giáo viên thì các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Quy định này đã nhận được sự đồng thuận cao của các trường đại học.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ, việc giao quyền tự quyết cho các trường trong tuyển sinh hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học. Điều này cũng hợp lý với cơ chế từng bước giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học công lập (trừ việc xây dựng cơ bản). Nhiều năm qua cho thấy điểm sàn bộc lộ không ít hạn chế, nhất là sự cứng nhắc do tuyển sinh chỉ theo một điều kiện. "Mỗi trường có một đặc thù, đối tượng, chuyên ngành, mục tiêu đào tạo nhân lực riêng thì cần có những phương thức tuyển sinh khác nhau mới hợp lý”, bà Nguyên cho biết.
Hiện nay, ngoài căn cứ theo điểm của kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường còn có những phương thức tuyển sinh khác như dựa trên kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT, tuyển thẳng hoặc tiêu chí phụ khác phù hợp với mục tiêu đào tạo riêng. Không còn điểm sàn, thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội để vào đại học. Em Bùi Bích Ngọc, học sinh lớp 12 H, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Hải Dương) chia sẻ: "Việc bỏ điểm sàn cộng thêm với các trường có nhiều phương thức tuyển sinh, cánh cửa vào đại học sẽ mở rộng hơn với chúng em, nhất là những bạn có học lực trung bình”.
Trường Đại học Sao Đỏ tăng cường tư vấn, định hướng nghề nghiệp để thu hút thí sinh đến với trường
Tuy vậy, theo một số lãnh đạo của các trường đại học trong tỉnh, việc bỏ điểm sàn lại khiến những trường ở tốp dưới, trường địa phương gặp nhiều khó khăn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương cho rằng trước đây, nhiều trường tốp trên tuyển không đủ chỉ tiêu do không thể hạ điểm chuẩn thấp xuống dưới điểm sàn. Nhưng với quy định hiện nay, các trường đại học tốp trên sẽ có rất nhiều thuận lợi để tuyển đủ chỉ tiêu đồng nghĩa với việc lượng thí sinh chọn các trường tốp dưới sụt giảm. "Thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Khi đó, những trường tốp trên sẽ gần như vét hết thí sinh của các trường tốp dưới khiến việc tuyển sinh đã khó sẽ lại càng khó hơn”, bà Nga lo lắng.
Băn khoăn
Tuy việc tuyển sinh sẽ dễ dàng hơn nhưng các trường vốn có đầu vào cao tỏ ra khá thận trọng. Nhà giáo Nhân dân, tiến sĩ Đinh Văn Nhượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ khẳng định: "Dù không còn điểm sàn trường cũng không vì đủ chỉ tiêu mà tuyển thí sinh chất lượng thấp. Có đầu vào tốt thì chất lượng đào tạo của nhà trường mới đi lên và xây dựng được thương hiệu, trở thành điểm đến tin cậy".
Một số cán bộ, giảng viên cho rằng việc bỏ điểm sàn là "con dao hai lưỡi” đối với các trường đại học. Bộ GDĐT chưa đưa ra cách quản lý chất lượng đầu vào đối với các trường đại học nên không phải trường nào cũng sẽ quản chặt đầu vào. Dư luận xã hội không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: Nếu các trường chỉ quan tâm đến việc tuyển đủ chỉ tiêu mà không quan tâm đến đầu vào thì chất lượng đào tạo đại học sẽ đi về đâu? Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho rằng khi bỏ điểm sàn sẽ không tránh khỏi việc một số trường đưa ra tiêu chí tuyển sinh thấp để cho đủ chỉ tiêu theo kiểu "vơ bèo, vạt tép”. Nếu các trường không quan tâm đến chất lượng đầu vào, thiếu đầu tư để đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục toàn diện thì sẽ tự làm hại mình. Nếu nhiều sinh viên của trường đó trình độ, năng lực thấp, thiếu kỹ năng làm việc sẽ khó tìm được việc làm và uy tín của trường sẽ giảm sút.
Hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm theo đúng trình độ, chuyên ngành đã được đào tạo, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình và xã hội. Do vậy, thí sinh và gia đình cần cân nhắc kỹ về học lực, điều kiện kinh tế, cơ hội việc làm để chọn trường phù hợp.
DANH TRUNG