Xã Hồng Quang chuyển biến trong việc tang
Xã hội - Ngày đăng : 10:30, 16/05/2018
Đại diện Ủy ban MTTQ xã Hồng Quang (Thanh Miện) vận động các trưởng họ cùng tham gia tuyên truyền về lành mạnh hóa việc tang đến các thành viên trong dòng họ
Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ủy ban MTTQ xã Hồng Quang (Thanh Miện) chọn mô hình "Nếp sống văn minh trong việc tang" làm khâu đột phá. Qua 1 năm thực hiện, việc tang nay đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Vũ Kim Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Quang cho biết trước kia những hạn chế trong việc tang khiến không chỉ cán bộ mà người dân cũng bức xúc. Đám tang nào cũng làm 50-100 mâm cỗ để mời khách, có đám thừa vài chục mâm cỗ, rất lãng phí. Mỗi đám có vài chục vòng hoa viếng, rồi có người khóc thuê, khóc mướn trên loa, mời thuốc lá, rải tiền vàng mã... Mặc dù MTTQ và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền song chưa có nhiều thay đổi.
Thực hiện mô hình "Nếp sống văn minh trong việc tang", Ủy ban MTTQ xã gặp gỡ người dân, các dòng họ để ghi nhận ý kiến. Sau đó, Ủy ban MTTQ phối hợp với UBND xã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị triển khai tới bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban công tác mặt trận các thôn, trưởng các dòng họ.
Ông Lê Văn Núi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Quang cho biết: "Mô hình tập trung vào các điểm: bỏ làm cỗ trong đám tang, không khóc thuê, khóc mướn, chỉ sử dụng 2 vòng hoa luân chuyển, không mời thuốc lá, không rải vàng mã dọc đường mà đốt thành điểm tập trung, vận động nhân dân sử dụng hình thức hỏa táng". Tại hội nghị triển khai, các thành viên tham dự, đặc biệt là các trưởng họ đều nhất trí cao và ký vào bản cam kết triển khai tới các thành viên trong dòng họ. 7 thôn được giao sổ theo dõi việc tang và sổ để các hộ trong thôn ký cam kết thực hiện. Ngoài ra, quy chế mô hình được phổ biến liên tục trên hệ thống loa truyền thanh.
Trường hợp đầu tiên thực hiện theo mô hình mới là đám tang cụ Vũ Thị Phẩm ở thôn Đông La. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ xã cùng cán bộ thôn, trưởng tộc đã đến vận động và gia đình đồng ý thực hiện theo nếp sống mới. Đây là đám tang đầu tiên trong xã chỉ có 2 vòng hoa luân chuyển, không khóc thuê trên loa, không thuốc lá, không rải vàng mã và tiền thật dọc đường, chỉ có 7 mâm cơm cho con cháu đến làm giúp.
Song do tập quán ăn sâu bén rễ nên một số đám tang ở thôn Hữu Chung và thôn Hùng Sơn vẫn tổ chức làm nhiều cỗ. Khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Ủy ban MTTQ xã đã xuống làm việc với Ban công tác mặt trận và cán bộ thôn để chấn chỉnh, yêu cầu cam kết không để tái diễn. Đồng thời thông báo việc vi phạm quy chế trên loa truyền thanh để người dân biết.
Hiểu được vai trò quan trọng của các trưởng tộc, lãnh đạo Ủy ban MTTQ xã cùng cán bộ thôn vận động những người này phối hợp tuyên truyền. Dòng họ Nguyễn Huy ở thôn Đông La là dòng họ đầu tiên ủng hộ và thực hiện lành mạnh hóa việc tang. Ông Nguyễn Huy Sơ, trưởng tộc cho biết: "Dòng họ chúng tôi có hơn 300 gia đình. Trước kia mỗi đám tang đều làm từ 100-150 mâm cỗ, rất tốn kém. Khi mô hình "Nếp sống văn minh trong việc tang" được triển khai, tôi đã phổ biến đến 3 chi của dòng họ để nghiêm túc thực hiện. Khi trong họ có người qua đời, tôi đều cùng với cán bộ thôn đến gia đình vận động, nhắc nhở thực hiện theo quy chế".
Bằng sự kiên trì, sâu sát, kiên quyết, các đám tang ở Hồng Quang đã dần đi vào nền nếp. Hiện nay tất cả các đám tang đều dùng vòng hoa luân chuyển, đốt vàng mã tập trung, không rải tiền thật, không mời thuốc lá. Từ khi triển khai mô hình, có 59 trong tổng số 61 đám tang bỏ hẳn việc làm cỗ, trung bình mỗi đám tiết kiệm hơn 50 triệu đồng. Số lượng các đám tang chọn hình thức hỏa táng tăng mạnh.
Từ một địa phương nổi cộm về những hủ tục trong việc tang, đến nay, xã Hồng Quang đã được ghi nhận là điểm sáng của huyện Thanh Miện. Mô hình của Ủy ban MTTQ xã được nhiều địa phương trong huyện và các huyện lân cận học hỏi. Năm nay, Ủy ban MTTQ xã Hồng Quang tiếp tục đăng ký xây dựng mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường ở các thôn để làm khâu đột phá tiếp theo trong thực hiện Chỉ thị 05.
NGỌC HÙNG