Sống mãi tinh thần xả thân vì cộng đồng
Chính trị - Ngày đăng : 08:08, 17/05/2018
Tối 13.5, một nhóm “hiệp sĩ đường phố” ở TP Hồ Chí Minh trong quá trình theo dõi, ngăn cản tội phạm đã bị chúng tấn công làm 2 người tử vong, 3 người khác bị thương. Dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng, thương xót và khâm phục trước tinh thần xả thân vì việc nghĩa của các “hiệp sĩ”.
Họ chỉ là những lao động rất bình thường nhưng mong muốn mang lại bình yên cho xã hội với chí khí Lục Vân Tiên “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Giữa xã hội ngày càng phát triển nhưng cũng gia tăng sự thờ ơ, vô cảm trước những biến cố, tai nạn trên đường phố thì việc tồn tại những con người như thế khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng hơn với suy nghĩ trong đám đông kia vẫn có những người sẵn sàng đứng bên người khác lúc nguy nan.
Khi xảy ra vụ việc đáng tiếc này, nhiều ý kiến cho rằng nên giải tán lực lượng "hiệp sĩ đường phố" vì quá nguy hiểm và chúng ta đã có lực lượng rất chuyên nghiệp để trấn áp tội phạm. Nhưng trên thực tế, từ trước khi được tập hợp thành một lực lượng, các "hiệp sĩ" đã hoạt động đơn lẻ xuất phát từ tinh thần trượng nghĩa, muốn gìn giữ sự bình yên cho xã hội. Và sau khi có 2 người bị sát hại, các "hiệp sĩ" khác khẳng định họ vẫn giữ tinh thần thép để tiếp tục công việc này.
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, ngoài lực lượng cảnh sát vẫn có những đội dân phòng góp phần bảo vệ các khu dân cư. Tệ nạn trộm cắp, tai nạn luôn tồn tại trong bất cứ xã hội nào nên việc có những người muốn ra tay hiệp nghĩa cũng luôn xuất hiện. Vì vậy, duy trì lực lượng này một cách có tổ chức và quy củ sẽ tốt hơn việc để họ hoạt động tự phát. Vấn đề đặt ra là cách thức duy trì, phối hợp như thế nào cho hiệu quả mà giảm bớt được hiểm nguy cho những "hiệp sĩ".
Điều mà đông đảo người dân đang mong đợi ngay trước mắt là phải tìm bằng được những kẻ cướp máu lạnh đã tẩu thoát và xử lý nghiêm minh, đồng thời hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho gia đình có người đã mất, những người bị thương đang điều trị trong bệnh viện. Họ xứng đáng nhận được quan tâm, chăm sóc và tôn vinh. Ngày 14.5, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an gửi thư thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc, tri ân tới gia đình và cá nhân những “hiệp sĩ đường phố” đã hy sinh và bị thương. Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo, phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức truy bắt đối tượng gây án, củng cố hồ sơ, sớm đưa các đối tượng ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Song về lâu dài, việc cần thiết là phải huấn luyện một cách bài bản hơn các kỹ năng phòng vệ cho các "hiệp sĩ đường phố" cũng như lực lượng dân phòng địa phương; xây dựng cách thức phối hợp nhanh chóng, hiệu quả giữa những lực lượng này với công an để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự ra tay của tội phạm mà không quá nguy hiểm tới tính mạng người dân. Có như vậy, tinh thần trượng nghĩa của những con người dám xả thân vì người khác mới được phát huy một cách hiệu quả, góp phần gìn giữ bình yên, nuôi dưỡng niềm tin trong xã hội.
LAM ANH