Mơ
Truyện ngắn - Ngày đăng : 05:59, 20/05/2018
Chẳng thể nào chịu nổi người đàn bà cục cằn, lôi thôi hết chỗ nói ấy. Mỗi lúc nàng cáu gắt con, mớ tóc trên đầu càng rũ ra xù hơn và mắt trợn lên toàn màu trắng. Chính là người tôi sống chung và có với nhau hai đứa con. Chẳng hiểu sao từ khi có đứa con đầu, vợ tôi sinh ra nhiều tật xấu. Ngày xưa được khen bao nhiêu thì nay bị chê bai bấy nhiêu. Ngày đó có người còn nói tôi vớ được một cô gái mặn mà và tốt nết nhất nhì xóm Trại. Thậm chí còn được ví với nàng Tấm trong cổ tích, dù tên thật của nàng là Tâm. Bản thân tôi thời trai trẻ không thể cưỡng được vẻ hút hồn của vợ. Còn hiện tại, tôi đang phải đối mặt với những đau khổ, bực dọc. Người đàn bà sau khi sinh hai đứa con, da dẻ khô nhám, buồn thật. Tôi thường ra quán bia đầu làng tìm bạn nhậu. Tôi và họ nhìn đám con gái hở rốn hở bụng mỡ đua đòi áo ngắn quần mỏng cưỡi xe lượn qua lượn lại. Bạn nhậu kích động, tôi hận mình chọn lầm người. Không ít lần uống bia say, tôi lần vào mấy tiệm cắt gội tìm cảm giác lạ. Có lần về nhà, mọi thứ bừa bộn, đứa con lớn bị mẹ mắng há miệng gào to. Vợ tôi tắm cho đứa con bé cũng gào to. Tôi bực mình đá tung tất cả những gì vướng víu ở chân. Vợ tôi nóng mặt, tru tréo. Điên tiết, cánh tay tôi vung lên, văng mạnh. “Bốp”. Bàn tay rơi gọn trên má vợ, nàng loạng choạng rồi ngã. Đứa con nhỏ đang được bế trên tay cũng ngã, khóc ré lên. Định thưởng cho vợ cú đá nữa thì ông hàng xóm chạy sang ngăn tôi lại. Ông ta kéo tôi về nhà mình. Ông ta mắng tôi mấy câu, rồi vuốt ve tôi bằng một cốc rượu. Tôi nốc vào, rồi đi lang thang. Tôi rẽ lên đê, lẫn vào một lùm cây. Tôi như kẻ mộng du đi tìm chính mình…
*
Trăng tròn vành vạnh, mọi cảnh vật tắm trăng, lung linh và kỳ bí. Bãi sông dập dềnh sóng nhẹ, mơn man bờ cát mịn. Cảnh vật bình yên đến lãng mạn. Tôi lang thang trên bãi cát ven sông, nơi cuối chiều lũ trẻ trong làng thường rủ nhau ra đá bóng. Đang miên man nghĩ thì mắt tôi va phải một cái gì đó. Không. Tôi dụi mắt. Dưới ánh trăng vằng vặc, phía xa kia có một bóng người khỏa trần. Một người đàn bà. Mái tóc nàng đẫm trăng. Tại sao có người con gái tắm đêm một mình ở đây? Tôi mạnh dạn tiến lại gần nhìn cho rõ. Người con gái vẫn mơn man vớt nước tưới lên da, lưng quay lại phía tôi. Khi còn cách nàng khoảng mươi bước, tôi giật mình vì chỗ nàng bốc lên một màn khói nghi ngút, che lấy nàng. Màn khói tan, người con gái tắm đêm lại hiện ra, đã mặc sẵn yếm váy. Tôi hỏi:
- Ai thế này?
Người con gái đọc liền mấy câu thơ:
Em là Tấm giấc mơ chàng hoan hỷ
Giữa nhân gian hoa mộng với duyên đời
Mẹ cho sắc cha cho lòng chăm chỉ
Khắp phương trời tài tử ghé qua chơi
Bốn câu trong bài thơ của một nhà lang thang mà tôi từng đọc thuộc trong thư viện huyện. Tại sao người con gái này lại thuộc, nàng là ai? Hỏi, nàng trả lời, tiếng ấm đượm trăng đêm:
- Thiếp chính là Tấm, là người tắm trăng đêm nay đợi chàng, vì chắc chắn thể nào chàng cũng tới.
Tiến gần nàng thêm chút nữa, lòng vui sướng.
- Thật là nàng đấy ư? Tấm trong cổ tích đấy ư? Ta đã tu từ kiếp nào mà có vinh hạnh này!
- Thiếp đến để nói cho chàng biết rằng cổ tích ấy là có thật. Rằng có Tấm ở trên đời, không chỉ đại diện cho cái thiện, cái đẹp mà còn cổ vũ những khát khao đẹp của tất cả phụ nữ. Có quá nhiều người phụ nữ bất hạnh cần thiếp.
- Như thế, nàng không chỉ là Tấm mà còn là người hùng trong trái tim họ.
Nàng bước đi trên cát, suối tóc không vấn khăn lay trong gió nhẹ. Khăn trên vai cũng lay trễ tràng còn yếm thì mướt mát ánh trăng. Tóc nàng có mùi thì là, hương nhu, lá bưởi... quện vào nhau, phả vào gió và tâm hồn rạo rực của tôi. Dáng nàng bước khoan thai. Bãi dâu reo lao xao, lá ngô ở cánh đồng bên kia khua khua như múa kiếm. Tôi bước chầm chậm theo nàng, vừa đi vừa nói chuyện. Nàng Tấm biết rất nhiều chuyện thế gian.
- Nàng nói mình có thật ở trên đời, sao ta không thấy?
Tấm mỉm cười:
- Đó là chàng không chịu thấy, không chịu hiểu. Thực ra, người đó đang ở ngay bên cạnh, chăm sóc, hết lòng vì chàng. Điều dại dột nhất của người đàn ông là anh ta cố tỏ ra thông minh và nghĩ rằng mình cần được hưởng nhiều hơn những thứ mình đang hưởng.
- Ý nàng muốn nói người đó là vợ ta?
Tấm lấy ra trong tấm khăn một vật gì đó, tức thì vật đó biến thành cây sáo. Nàng nói: “Chứ còn ai khác” rồi đưa cây sáo lên miệng, thổi một khúc nhạc. Cảnh vật đêm trăng được đánh thức bởi âm thanh tinh khiết từ tiếng sáo của một người tài hoa. Ngón tay nàng nhịp nhàng nhấp nhô trên lỗ sáo. Gió mạnh hơn một chút, trăng sáng hơn trên triền cát mịn. Tôi và nàng vẫn bước đi bên nhau. Dứt tiếng sáo, Tấm nói tiếp:
- Nàng ấy lại không đáng là cô Tấm sao? Vì chàng, nàng ấy đã hy sinh cả nhan sắc của mình, làm lụng vất vả, phục tùng chàng, còn sinh cho chàng hai đứa con kháu khỉnh nữa.
Lòng tôi bẽ bàng! Không thể như vậy được, vợ là vợ, dù thế nào cũng không thể sánh với Tấm, chưa kể bây giờ nàng ấy rất thô vụng, cục cằn. Như đoán được suy nghĩ của tôi, miệng Tấm tươi như hoa, nói:
- Chàng còn đắn đo gì nữa mà không công nhận như vậy. Thử hỏi, có nhan sắc nào không bị công phá trước thời gian khắc nghiệt. Chỉ tâm hồn là không gì công phá được. Như thiếp đây, trong cổ tích phải chiến đấu với cái ác để tồn tại. Thiếp phải hóa thân, nào là chim vàng anh, cây xoan đào, rồi khung cửi, quả thị. Lòng nhân nghĩa lại cho thiếp làm người, làm hoàng hậu. Dân gian cũng từ đó mà biết đến thiếp. Từ trẻ đến già, ai cũng biết Tấm trong cổ tích và họ lấy đó là bài học để răn dạy con cái. Gái thì phải đảm đang công việc, ngoan hiền như Tấm. Đàn ông phải chọn người vợ nết na như Tấm. Thử hỏi, nếu không có vợ thì chàng có cái gì nào? Chẳng gì cả, ngay cả cái chức Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chàng cũng phải nhờ công sức của nàng ấy. Cứ nhờ vào lương của chàng thì làm được gì? Chàng không nhớ là nàng ấy đã chắt chiu, vay mượn cho chàng biếu xén?
Bỗng dưng tôi thấy bủn rủn tay chân. Nàng đang giáo huấn tôi, nàng kết tội tôi sao? Tôi thắc mắc, Tấm cho hay:
- Thiếp không nói sai cho chàng. Người phụ nữ xứ ta có đức tính chịu đựng. Chàng không hề biết đêm đêm nàng ấy lại khóc thầm, mong chàng đừng la cà, nhậu nhẹt mà về sớm. Ngay cả thiếp, khi bị mẹ con nhà Cám bày trò cũng chỉ biết khóc. Cũng phải nói rõ điều này cho chàng, thiếp không đẹp bằng vợ chàng đâu.
- Và nàng đã giết Cám bằng cách lừa cô ấy? - tôi bất chợt bắt được một ý, đả kích nàng, nói xong mới thấy mình thật dại miệng.
Nàng bình tĩnh:
- Thiếp có thể bỗng chốc trở nên độc ác vậy sao? Chàng ơi, do người đời yêu quý thiếp mà thêu dệt thêm cổ tích đó thôi. Đó là ước ao của họ, rằng cái ác phải bị trừng trị. Người làm việc thiện sẽ được an hưởng hạnh phúc. Họ mong có một cái kết có hậu như thế. Chính họ giết Cám mà thiếp không thể làm gì khác để thay đổi ý nghĩ của người đời. Trên đời này cũng chẳng có mấy điều kết thúc có hậu vậy đâu. Khi con người còn tồn tại thì những điều trái ngang còn diễn ra.
Một giây phút nín lặng, rồi người đẹp chỉ tay về phía dòng nước, loang loáng ánh trăng. Nàng tấu một đoạn nhạc du dương khác, rồi mỉm cười, tươi như hoa:
- Đó, đời đẹp là thế. Thượng đế đã cho con người những cảnh vật, sự giản dị tuyệt vời mà không bất cứ nơi đâu có. Nhưng nhu cầu của người hiện tại luôn muốn cao xa hơn. Họ lúc nào cũng muốn chinh phục, đuổi bắt những cái thậm chí không thuộc về họ. Có người đã ngã quỵ vì chính sự tham lam của mình.
- Nàng không hiểu được nỗi khổ của người thế gian đâu. Những người đàn ông như ta, công nhận là dục vọng nhiều, nhưng chúng ta phải chạy vạy khốn khổ đủ điều để có miếng ăn. Bản thân ta đã chán ngấy cuộc sống mình, ta muốn sống trong thế giới của nàng. Nàng thật hạnh phúc, nàng có vị vua hết mực yêu thương. Thế giới của nàng mới đáng sống.
Tấm lắc đầu, giọng chùng xuống, hơi thở của nàng lẫn vào gió.
- Như thiếp đã nói, thiếp có thật ở trên đời. Chàng không biết đâu, dù lên làm phi rồi, nhưng thiếp phải chiến đấu. Chàng không biết rằng chính những cuộc đụng độ trong vương triều mới khắc nghiệt. Giờ thiếp sống cùng với vị vua của lòng mình, ngao sơn dạo thủy chốn nhân gian. Chẳng phải tính toán cho rầu lòng.
Tôi và nàng dạo mãi, sóng đôi dưới trăng. Khi đến đoạn giao nhau với một con rạch nhỏ, người đẹp bảo tôi:
- Chàng dù sao cũng là khách thơ, từng lãng mạn, đọc nhiều, hiểu rộng. Hãy tặng thiếp một bài để đêm tao ngộ này thêm đẹp.
Tôi bảo mình có làm thơ, nhưng chưa từng tặng một người con gái nào, kể cả vợ. Đêm nay, Tấm đã là bài thơ tuyệt đẹp rồi. Tôi dù có nói thêm thì cũng chỉ làm xấu cảnh này. Nàng hơi nhíu mày, nói cái tình mới đáng trọng. Đêm tao ngộ này cũng nhờ cái tình của Thượng đế mà thành duyên, biết bao giờ gặp lại. Thì xin lời thơ làm quà ủ ấp trong lòng.
Không thể khước từ một lời đề nghị đẹp và nhân nghĩa thế. Tôi ngẫu hứng đọc thơ, khi chân vẫn bước: Từ cổ tích bước ra người trong mộng/Đêm trăng thiêng soi sáng mặt anh hùng…
Đọc xong, một chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ trên sông đi tới, dừng lại cách tôi và nàng chừng hai mươi bước. Người đàn ông lực lưỡng, đội nón lá chống sào hiên ngang nép bờ sông đợi. Tấm chỉ tay về phía đó.
- Như thiếp đã nói, kia là người đàn ông của thiếp, người cùng thiếp sống vô tư giữa thế gian này.
Người đàn ông cúi chào, tôi đáp lễ, Tấm bảo:
- Đã đến lúc thiếp phải cùng vị vua của lòng mình đi đây. Cảm ơn bài thơ của chàng, bài thơ sẽ làm nức lòng những cô Tấm thế gian. Thiếp xin nói điều cuối cùng này nữa, chàng hãy biết quý trọng những gì mình có, đừng đứng núi này trông núi nọ. Vợ chàng - nàng ấy là một cô Tấm cần chàng hiểu, thông cảm. Nàng ấy không thay đổi, chỉ chàng thay lòng đổi dạ thôi.
- Nàng đi sớm vậy sao? Chúng ta có còn gặp lại không? - tôi bất giác hỏi trong tiếc nuối.
Nàng đáp:
- Nếu chàng là người nhân nghĩa, lo gì không có duyên gặp lại. Chúng ta đã đi dạo được năm cây số ở dọc bãi sông này. Chàng hãy quay về. Biết trân trọng cuộc sống, chàng sẽ có cô Tấm của lòng mình.
Người đẹp bước lên thuyền. "Vị vua" của nàng chèo nhẹ. Con thuyền trôi vào huyền ảo. Thoắt cái đã không thấy gì. Chỉ còn lại trăng tưới đẫm lên đêm.
*
Tỉnh giấc, tôi thấy mình nằm gác trên chạc của cây sung lớn ở lối xuống bãi sông. Nắng lên chói lòa mắt. Tôi lên được đây ư, đã nằm ngủ suốt đêm ở đây? Định leo xuống thì bất thần vợ tôi hét lên:
- Này, anh làm gì trên đó thế?
Ngó xuống thì thấy vợ tôi lăm lăm cây sào, chĩa thẳng vào tôi.
- Ấy, ấy, anh tự xuống, em đừng chọc, anh ngã.
Loay hoay mãi mới xuống được, tôi hỏi vợ:
- Em mang sào đi đâu đấy?
- Đi tìm anh chứ còn đi đâu. Sợ quá, ông hàng xóm bảo tối qua anh uống say ở nhà ông ấy, rồi dứt khoát đòi đi, can mấy cũng không ở lại. Thôi, về với em.
Tôi cầm thay vợ cây sào. Đi bên cạnh nàng, bỗng thấy nàng trở nên dịu dàng, còn cười rất tươi. Nàng ngộ thật!
Truyện ngắn của QUANG LỘC