Vải thiều sẵn sàng "Nam tiến"
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 20/05/2018
Nông dân đang chăm sóc vải thiều để có chất lượng quả tốt nhất
Hiện nay, trà vải thiều của tỉnh đang trong giai đoạn làm cùi. Gần 1 tháng nữa, vải mới cho thu hoạch, nhưng những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhất là khu vực phía Nam đã và đang làm giảm áp lực tiêu thụ, giúp người trồng có thêm hy vọng về một vụ vải được mùa, được giá.
Khởi động sớm
Dù vải thiều chưa vào vụ nhưng Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) đã rà soát các vị trí thuận lợi ở huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh để đặt điểm thu mua, chủ động nguồn hàng đưa vào các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian tới. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt cho biết: “Ngoài thế mạnh xuất sang các nước Đông Á, Đông Nam Á và Trung Đông, công ty xác định thị trường tiêu thụ vải thiều trọng điểm là các tỉnh, thành phố phía Nam bởi đây là khu vực có sức mua lớn. Các công đoạn về bảo quản, vận chuyển, phân phối cũng đơn giản hơn".
Năm trước, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt đã tiêu thụ hơn 3.000 tấn vải tại 3 chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh. Năm nay, công ty sẽ mở rộng địa bàn tiêu thụ sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP Cần Thơ… Đến nay, mọi khâu chuẩn bị để quả vải được tiêu thụ tốt tại thị trường miền Nam đã được doanh nghiệp hoàn tất. Ngoài vải tươi, công ty còn xây dựng lò sấy với công suất 200 tấn vải khô/mẻ (3ngày) để bán ở những nơi này.
Có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực phân phối, tiêu thụ vải quả, bà Phạm Thị Mười, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phúc Cường (Thanh Hà) đánh giá trong khi thị trường truyền thống Trung Quốc chỉ chuộng vải sớm, lượng vải xuất sang các nước khác còn hạn chế do yêu cầu khắt khe thì thị trường miền Nam là lựa chọn hàng đầu để tiêu thụ vải thiều. “Những năm gần đây, vải thiều của Hải Dương, nhất là vải thiều Thanh Hà đã tạo được chỗ đứng tại các tỉnh, thành phố phía Nam nên tiêu thụ rất thuận lợi và hầu như hàng không bị ứ đọng. Mặc dù vậy, điểm bất lợi là vải thiều của tỉnh chưa có dấu hiệu nhận diện thương hiệu rõ ràng nên thường bị mạo danh bởi các sản phẩm kém chất lượng. Nếu có thể thực hiện đồng bộ khâu đóng gói, dán tem mác truy xuất nguồn gốc thì vải thiều Hải Dương sẽ chiếm lĩnh được thị trường miền Nam”, bà Mười khẳng định.
Trước dự báo về một vụ vải được mùa, không chỉ có những tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chủ động phương án tiêu thụ mà các doanh nghiệp uy tín hàng đầu về sản xuất, tiêu thụ nông sản trong nước cũng sẵn sàng chung tay, phấn đấu không để lặp lại điệp khúc được mùa, mất giá. Theo ông Đỗ Hoàng Thạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt (Hà Nội), sở dĩ vải thiều thường bị ép giá là do việc xây dựng và quản lý thương hiệu chưa hiệu quả. Năm nay, ngoài ký hợp đồng tiêu thụ vải với nông dân Thanh Hà, công ty sẽ hỗ trợ quảng bá rộng rãi tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Đây là thị trường tiềm năng, tương đối dễ tính nên cần được khai thác tối đa.
Chuẩn bị chu đáo
Nhiều doanh nghiệp đã về khảo sát để thu mua vải thiều Thanh Hà bán ở thị trường phía Nam
Theo ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, vụ trước, gần 70% sản lượng vải thiều của tỉnh tiêu thụ trong nước. Vì vậy, năm nay, ngoài quan tâm mở rộng xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tỉnh cũng tích cực khơi thông thị trường miền Nam. Ngay từ đầu vụ, Hải Dương đã có kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Đây là bước chuẩn bị nền tảng để từ đó có thể kết nối với những doanh nghiệp có năng lực thu mua lớn, phân phối vải thiều tại khu vực này.
Bên cạnh đẩy mạnh thực hiện quảng bá, tuyên truyền để liên kết, tìm kiếm thị trường, việc khẳng định chất lượng cũng là yếu tố quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của vải thiều Hải Dương đối với sản phẩm cùng loại có nguồn gốc từ nơi khác.
Hiện vải thiều Thanh Hà đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc và phần lớn diện tích vải tại Chí Linh cũng được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Chất lượng sản phẩm chính là giấy thông hành uy tín nhất để vải thiều Hải Dương tạo được vị thế, không bị người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm cùng loại. "Thị trường miền Nam không quá khắt khe song mục tiêu hướng tới của vải thiều Hải Dương không chỉ là các chợ đầu mối mà còn là hệ thống siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện ích nên điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được đặt lên hàng đầu", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Thị Hà cho biết.
Dù chưa bước vào vụ thu hoạch vải thiều nhưng sự chủ động của doanh nghiệp, chính quyền và cơ quan chuyên môn trong việc tiếp cận thị trường miền Nam đã phần nào tháo gỡ nút thắt ở khâu tiêu thụ, giúp vải thiều có thể "Nam tiến" thành công.
DŨNG CƯỜNG