Bác Hồ với cuốn sách “Đời sống mới”

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 07:34, 20/05/2018

Cuốn sách “Đời sống mới” của Bác Hồ vẫn giữ nguyên giá trị nội dung, tư tưởng, mục đích phong trào xây dựng đời sống văn hóa từ nông thôn đến thành thị, từ cơ quan đến trường học, đơn vị quân đội...

Cuốn sách “Đời sống mới” của Bác Hồ ra đời đến nay đã 71 năm. Theo các tài liệu nghiên cứu thì từ tháng 3.1947, Bác Hồ cùng cơ quan Chính phủ chuyển đến Chu Hóa (Lâm Thao, Phú Thọ). Tại đây, Người đã soạn thảo cuốn sách quan trọng này. 

Vào thời điểm ấy, Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, chính quyền mới đã phát động phong trào xây dựng “đời sống mới”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong lúc còn đang đánh giặc, lại tản cư, mọi người khó nhọc vất vả thế thì kêu gọi thực hành “đời sống mới” có hợp thời không? Nhưng Bác bảo: “Hợp thời lắm. Chính trong lúc này càng phải thực hành “đời sống mới”, càng phải cần, kiệm, liêm, chính”.

Bác đã giải thích rằng “đời sống mới” đâu phải chỉ phá cái cũ, xây cái mới, mà nếu cái cũ còn tốt thì vẫn phải duy trì và phát triển, còn cái gì cũ mà xấu thì loại bỏ. Bác mong muốn có “đời sống mới” trong mỗi gia đình, như sống có ngăn nắp, kỷ cương, giản dị, tiết kiệm. Bác muốn có “đời sống mới” trong xóm làng: cùng nhau tăng gia sản xuất, sống có văn hóa, đẹp làng, sạch ngõ, bài trừ hủ tục, tắt lửa tối đèn có nhau. Bác muốn có “đời sống mới” trong trường học là phải dạy sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, thiết thực, học sao cho chăm chỉ, ngoan ngoãn. Bác muốn có “đời sống mới” trong bộ đội: kỷ luật phải nghiêm, luyện tập giỏi, chiến đấu dũng cảm và thương yêu nhân dân. Trong các cơ quan, đoàn thể... Bác mong muốn cán bộ, nhân viên làm việc cho nghiêm, phẩm chất trong sạch, không được biến mình thành sâu mọt của dân…

Bác cũng chỉ rõ: “Đời sống mới” là một biểu hiện văn minh ở cách ăn mặc, đi lại, học hành, lẽ sống và lối sống... không cao xa gì, nhưng nếu không kiên nhẫn thực hành thì không bao giờ làm được; ví như một ngọn núi ta cố xuyên lâu ngày cũng thông, cái cành khô ta chịu khó bẻ thì cũng gẫy... Với chủ đề  tư tưởng chỉ đạo ấy, cuốn sách “Đời sống mới” đã được Bác tự tay đánh máy. Xong, Bác đưa cho nhiều người xem, hỏi người đọc có hiểu không. Còn chỗ nào chưa hiểu, Bác bỏ đi, đánh máy lại. Hoàn chỉnh rồi, Bác mới để Ủy ban Trung ương vận động “đời sống mới” xuất bản. Sách được gửi đến các vùng nông thôn, cơ quan, trường học, đơn vị quân đội... Ít lâu sau, Bác mời đại biểu các ngành, địa phương đến hỏi xem sách “Đời sống mới” có giúp ích gì cho mọi người không. Các đại biểu đều thưa với Người đại ý ở nông thôn, nhiều làng đã bỏ tệ mê tín dị đoan, đẩy mạnh tăng gia, thực hành tiết kiệm, giảm nạn cờ bạc, hút sách; ở cơ quan, đơn vị, trường học... đã thay đổi tác phong làm việc, luyện tập, chiến đấu, học hành… Bác lại căn dặn: “Đời sống mới” chỉ có thể thực hiện tốt khi dân trí được nâng cao. Cho nên nhiệm vụ của chúng ta là phải không ngừng nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, nhất là ở nông thôn...

Sau 71 năm ra đời, cuốn sách “Đời sống mới” của Bác Hồ vẫn giữ nguyên giá trị nội dung, tư tưởng, mục đích phong trào xây dựng đời sống văn hóa từ nông thôn đến thành thị, từ cơ quan đến trường học, đơn vị quân đội... Đây là một nhiệm vụ thường xuyên, tạo ra nền tảng đạo đức xã hội hiện nay.

THẾ NGUYỄN