Yêu Bác qua những câu chuyện kể
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 11:00, 20/05/2018
Những câu chuyện về Bác được tái hiện qua giọng kể truyền cảm của các em nhỏ
Tại hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” năm học 2017 - 2018 do Hội đồng Đội tỉnh tổ chức ngày 15.5 vừa qua, nhiều khóe mắt đã rưng lệ trước những câu chuyện xúc động về Người.
Lời kể từ trái tim
"Bác bước vào, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Các con chị reo lên: “A! Bác… Bác Hồ, Bác Hồ!”, rồi chạy lại quanh Bác… “Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?". Cố nén xúc động, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói: “Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá thành ra con khóc ạ!”. Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và ôn tồn nói: “Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?”... ".
Qua giọng kể của em Hà Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Kim Giang (Cẩm Giàng), khoảng cách thời gian của tối 30 Tết năm 1962 như được kéo gần lại với hiện tại. Trúc đã “dẫn” khán giả về ngôi nhà của người công nhân, chồng mất, một mình nuôi 3 con nhỏ ở phố Lý Thái Tổ (Hà Nội) bằng giọng kể nhiều cảm xúc và nét mặt biểu cảm. Câu chuyện “Bác Hồ đến thăm người nghèo” của Trúc thể hiện tình yêu thương, sự chăm lo ân cần của Bác với nhân dân, đặc biệt là với những người nghèo khổ.
Với em Vũ Hải Yến, Trường Tiểu học Đại Đồng (Tứ Kỳ), những giây phút cuối cùng của cuộc đời Bác khiến Yến xúc động mạnh mẽ. Bằng giọng kể mượt mà, Yến đã khiến những người nghe câu chuyện “Tình yêu của Bác Hồ dành cho những khúc dân ca” rưng rưng khóe mắt. Trước lúc đi xa, Người muốn mang theo hình ảnh của sông Hương, núi Ngự, của xứ Nghệ yêu thương… Bác hỏi các đồng chí chăm sóc Bác có người nào biết hò Huế, hát ví dặm, khúc dân ca quan họ Bắc Ninh… Qua câu chuyện này, Yến muốn gửi đến người nghe thông điệp, yêu Tổ quốc là yêu những làn điệu dân ca, yêu ngôn ngữ, yêu bản sắc văn hóa dân tộc. Bằng giọng kể mượt mà, sâu lắng, em Vũ Hải Yến đã xuất sắc giành giải nhất hội thi.
Mỗi thí sinh một phong cách, một câu chuyện khác nhau nhưng các em đều chung niềm tự hào, kính yêu đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Không chỉ bằng chất giọng truyền cảm, chân thành, mộc mạc, bằng nét mặt hồn nhiên, ngây thơ, các em nhỏ còn gây ấn tượng bởi sự đầu tư công phu, sáng tạo trong phần biểu diễn. Các thí sinh đã dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ câu chuyện "Đêm giao thừa Bác đến thăm người nghèo", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Ba lần được gặp Bác Hồ" đến câu chuyện "Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại trẻ Kim Đồng", "Ai ngoan sẽ được thưởng"… Giọng kể khi trầm khi bổng, lúc dứt khoát, rắn rỏi, lúc nhẹ nhàng, khoan thai… của các em càng làm những câu chuyện thêm lôi cuốn. Hơn hết, từng câu, từng lời đều xuất phát từ cảm xúc chân thành, từ trái tim với vô vàn niềm yêu kính Bác.
"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn"
Không phải đợi tới khi nhà trường phát động hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, các em học sinh Trường Tiểu học Thạch Khôi (TP Hải Dương) mới tìm đọc những câu chuyện xúc động về thân thế, sự nghiệp, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những cuốn truyện cổ tích, truyện tranh hấp dẫn, nhiều em nhỏ lại dành niềm yêu thích đặc biệt với những cuốn sách viết về Bác. Để rồi tình yêu và sự biết ơn đối với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc đến với các em như một lẽ tự nhiên.
Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh Trường Tiểu học Thạch Khôi (TP Hải Dương) bày tỏ: "Khi chúng em sinh ra, Bác không còn nữa. Chúng em chỉ biết về Người qua những bài thơ, bài hát, qua những câu chuyện, thước phim… Đọc những câu chuyện về Bác, em thấy rõ hơn tình cảm của Người với đồng bào, với nhân loại thật bao la".
Để có mặt trong Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” cấp tỉnh, em Hà Thị Thanh Trúc đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của lớp, trường và thi cấp huyện. Trước khi tham gia vòng thi cấp tỉnh, Thanh Trúc không hồi hộp và lo lắng. Em cho biết: “Được kể những câu chuyện về Bác Hồ là niềm vui, niềm tự hào của em. Qua những câu chuyện về Bác, em thấy mình cần chăm ngoan, học giỏi hơn nữa, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, luôn yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh…”.
Cô Trần Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Khôi chia sẻ: “Trong cuộc đời 79 mùa xuân vì dân, vì nước vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản rất quý báu là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Qua những câu chuyện kể về Bác, các em học sinh đã khiến người nghe phải tự nhìn lại, soi lại mình, phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người”.
Tháng năm này, cả nước kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc. Những câu chuyện về Người một lần nữa được tái hiện trên sân khấu, qua giọng kể truyền cảm của các em nhỏ đã tạo nên xúc cảm mạnh mẽ, chạm đến trái tim người nghe, để họ cảm thấy “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”…
HÀ NGA