Trong chiều dài lịch sử, hiếm có dòng gốm cổ nào có số phận thăng trầm như gốm Chu Đậu ở xã Thái Tân (Nam Sách).
Từ thế kỷ XIV – XV, dòng gốm này phát triển rực rỡ bởi dòng men và hoa văn độc đáo. Tuy nhiên do nhiều biến cố lịch sử, gốm Chu Đậu bị chìm vào quên lãng trong một khoảng thời gian dài.
Ngược dòng lịch sử
Trước đây, Chu Đậu là một xã nhỏ thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách). Vì nằm cạnh sông Thái Bình nên địa phương này có tên là Chu Đậu - nghĩa Hán là bến thuyền đỗ. Đây cũng là nơi sản sinh ra dòng gốm cổ nổi tiếng khắp vùng.
Theo các nhà sử học, gốm Chu Đậu là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp, có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII - XIV, trong đó phát triển rực rỡ nhất từ thế kỷ XV - XVI. Sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu chịu nhiều ảnh hưởng bởi cuộc chiến giành quyền lực giữa 2 triều đại phong kiến Trịnh - Mạc... Từ đây, dấu tích của dòng gốm cổ này dần bị thời gian vùi sâu vào quên lãng.
Năm 1980, lai lịch của làng gốm cổ Chu Đậu được ông Makato Anabuki, nguyên là Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát hiện một cách hết sức tình cờ. Trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makato Anabuki trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54 cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray, ở thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Trên bình gốm này ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút", tạm dịch là: "năm Thái Hòa thứ tám (1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi". Từ dữ liệu này, ông Makato Anabuki đã viết thư nhờ đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lúc bấy giờ xác minh giúp xem chiếc bình gốm quý giá đó có xuất xứ từ làng gốm nào.
Từ những thông tin quý giá này, các cơ quan chức năng từ trung ương đến tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng đẩy nhanh các cuộc khai quật nhằm sớm tìm ra những dấu vết về làng gốm cổ.
Về bà Bùi Thị Hý, gia phả họ Bùi cũng như những câu chuyện truyền đời cho biết, bà sinh năm 1420, ở trang Quang Ánh, châu Nam Sách (nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc). Bà là con gái của cụ Bùi Đình Nghĩa và là cháu nội của cụ Bùi Quốc Hưng, một danh tướng khai quốc công thần đời Lê.
Bà Bùi Thị Hý vốn thông minh, có biệt tài viết chữ và vẽ rất đẹp. Bà thường chu du danh lam cổ tích. Trong một lần dự hội Kiếp Bạc, bà gặp ông Đặng Sĩ, một đại gia gốm Chu trang (Chu Đậu), duyên may đó thành vợ chồng. Kể từ đó, hai vợ chồng chung sức, sản xuất gốm mỹ nghệ, phục vụ đồ ngự dụng cho Hoàng triều, xuất khẩu sang Bắc quốc, Nhật quốc và phương Tây (theo gia phả và bia mộ chí).
Năm 1986, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật của một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp mà từ trước đến nay chưa từng được phát hiện tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân. Hàng vạn hiện vật với các loại bát đĩa, ấm, bình, con giống, chậu... cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất được khai quật.
Không dừng lại ở đó, vào năm 1993, tại eo biển Philippines, một con tàu đắm ở thế kỷ XV đã được trục vớt, trong đó có 3.000 đồ gốm được xác định là gốm Chu Đậu. Đến năm 1997, tại Cù Lao Chàm, cơ quan chức năng cũng trục vớt một con tàu đắm với khoảng 340.000 hiện vật, trong đó có 240.000 hiện vật còn lành lặn. Các nhà khoa học xác định, con tàu này vận chuyển gốm mỹ nghệ từ Chu Đậu… Từ đây, các nhà khoa học càng có thêm nhiều chứng cứ để khẳng định nguồn gốc của dòng gốm Chu Đậu.
Hồi sinh
Sau gần 400 năm bị thất truyền, gốm Chu Đậu đã được Công ty CP Gốm Chu Đậu (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Công ty CP (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG) hồi sinh. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu cho biết, ở giai đoạn đầu, khó khăn lớn nhất của đơn vị chính là làm sao khôi phục được dòng gốm danh tiếng một thời khi chỉ có những hiện vật được trục vớt.
Trong khi đó, gốm Chu Đậu có nhiều nét đặc trưng riêng biệt như: màu men, hoa văn, hoạ tiết... mà không dòng gốm nào có được. Với quyết tâm khôi phục bằng được dòng gốm cổ, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã mời 20 nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hoà, Hải Dương... bắt tay vào nghiên cứu và thiết kế những sản phẩm mới để đưa ra thị trường.
Là một trong những người đầu tiên tham gia khôi phục dòng gốm cổ, nghệ nhân Hạ Bá Định nhận xét, gốm Chu Đậu là thành quả chắt lọc từ những nghiên cứu rất kỹ về mỹ thuật và kỹ thuật của các nghệ nhân làm gốm xưa. Các nét vẽ trên gốm Chu Đậu không bị gò bó, khuôn phép như các dòng gốm cổ Trung Quốc mà tự do, bay bổng, mềm mại, hiền hoà nên có tính lãng mạn rất cao.
Men gốm Chu Đậu cũng là nước men rất đặc biệt mà không nơi nào có. Bởi nó được chiết xuất hoàn toàn từ tro vỏ trấu nếp cái hoa vàng, không sử dụng chì hay hoá chất để pha trộn nên cho ra nước men rất lạ. Đây cũng là dòng men đã được xác lập “kỷ lục độc bản” Việt Nam và được cả thế giới ngợi ca về độ bền cũng như giá trị nghệ thuật đỉnh cao. Do đó, để khôi phục được dòng gốm này hàng chục nghệ nhân đã phải mày mò nghiên cứu ròng rã hơn 10 năm trời.
Qua nhiều hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu đánh giá gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao, giàu bản sắc dân tộc. Gốm Chu Đậu đẹp về bố cục, phong phú về màu sắc và đa dạng về thể loại. Để làm một sản phẩm gốm Chu Đậu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.
Có lẽ vì lý do này mà người dân ở xã Thái Tân vẫn thường truyền nhau câu thơ: "Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ họa". Đây chính là những điều quan trọng nhất để làm dòng gốm "Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”...
Theo nghệ nhân Hạ Bá Định, nguyên liệu để làm ra gốm Chu Đậu đó là đất sét trắng được chọn lọc kỹ càng từ vùng Trúc Thôn (Chí Linh). Sau khi lấy về, đất sét sẽ được hòa trong nước và được lọc qua hệ thống máng dẫn, bể ngắn. Quá trình lắng lọc sẽ tạo ra hai hợp chất gồm lỏng và nhuyễn, sau đó được phối luyện thành hồ gốm.
Từ đây, gốm Chu Đậu sẽ được những đôi bàn tay của các nghệ nhân nhào nặn, gọt giũa hình hài. Hoa văn, hoạ tiết trên gốm Chu Đậu cũng rất tự nhiên, mềm mại. Các tác phẩm vẽ trên gốm chủ yếu thể hiện phong cảnh thiên nhiên hoặc phản ánh đời sống, văn hoá, tín ngưỡng của làng quê Việt.
Đặc biệt hơn, những hoạ tiết trên gốm Chu Đậu được áp dụng bằng phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau. Cũng chính vì lý do này mà màu sắc của gốm Chu Đậu mang nét riêng biệt khó bị hoà lẫn trong muôn vàn dòng gốm cổ khác.
Đến nay, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã phục dựng được hàng nghìn sản phẩm phỏng theo mẫu gốm Chu Đậu cổ cũng như sáng tạo ra nhiều mẫu mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, nhiều sản phẩm tiêu biểu có giá trị đặc sắc như: bình Hoa Lam, bình Tỳ Bà, bình Phượng Hoàng, bình Thiên Nga...
Một số sản phẩm đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là những sản phẩm có kích thước lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, ngày 9.9.2019 chiếc đĩa gốm Chu Đậu 1.000 chữ Long viết bằng kiểu chữ thư pháp đã được tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness vinh danh là sản phẩm đạt kỷ lục thế giới.
Vươn tầm thương hiệu quốc gia
Bằng tâm huyết và định hướng đúng đắn, Công ty CP Gốm Chu Đậu không chỉ góp phần hồi sinh nghề cổ mà còn đưa gốm Chu Đậu tiến những bước dài. Sau hơn 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, doanh nghiệp này đã gây dựng sản phẩm gốm Chu Đậu đạt thương hiệu quốc gia vào các năm 2020 và 2022.
Những năm qua, doanh nghiệp đã định hướng tầm nhìn thương hiệu sản phẩm bằng lời hứa và chiến lược kinh doanh cụ thể. Trong đó, việc phát triển gốm Chu Đậu không chỉ là nghề kinh doanh mà còn là trách nhiệm gìn giữ bản sắc dân tộc. Hiện gốm Chu Đậu không chỉ là quà tặng quốc gia mà còn xây dựng được thương hiệu quốc gia.
Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần quyết định vào thành công của gốm Chu Đậu đó là nguồn nhân lực. Hiện Công ty CP Gốm Chu Đậu có hơn 200 công nhân thì có đến 30 công nhân được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Giám đốc công ty, gốm Chu Đậu được chọn là một trong những quà tặng của quốc gia và xây dựng được thương hiệu quốc gia bởi lẽ nó hội tụ mạch nguồn tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Từ dáng vẻ, chất men đến họa tiết, hoa văn trang trí... trên gốm Chu Đậu đều mang đậm bản sắc dân tộc và đạt đến trình nghệ thuật độ cao.
Hiện gốm Chu Đậu chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với 3 dòng sản phẩm chính là hàng phục chế theo các mẫu gốm cổ, hàng gia dụng và hàng xuất khẩu. Trong đó, nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là bình gốm Hoa Lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà. Những sản phẩm khác như: bình cúp Ngũ Hành, ấm rượu Rồng, hũ Hổ Phù… cũng là những sản phẩm làm nên thương hiệu của gốm Chu Đậu.
Hiện dòng gốm này đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được trưng bày tại 46 bảo tàng của 32 nước trong khu vực và trên thế giới.
(Bài viết sử dụng một số hình ảnh, clip do doanh nghiệp cung cấp)
Thực hiện: ĐỖ QUYẾT - HÀ KIÊN