Gần lắm Trường Sa: Thủy thủ đoàn của những chuyến tàu đặc biệt

Chính trị - Ngày đăng : 09:35, 24/05/2018

Có những lúc tàu nước ngoài theo sát tàu KN-491 và có hành động khiêu khích nhưng các thủy thủ đoàn luôn bình tĩnh đối phó. "Biển của mình, đảo của mình nên chẳng có gì phải sợ".


Đại úy Nguyễn Thanh Hải, Thuyền trưởng tàu kiểm ngư KN-491 

Họ là những thủy thủ tàu kiểm ngư KN-491, Chi đội Kiểm ngư số 4 với nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ ngư dân đánh bắt cá, đưa đón người dân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, thực hiện các nhiệm vụ khi có lệnh của cấp trên.

Tàu là nhà, biển đảo là quê hương

Đoàn cán bộ tỉnh Hải Dương khởi hành ra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên chiếc tàu KN-491 từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 13.5. Ngoài đoàn công tác của Hải Dương, trên tàu có gần 10 đoàn của một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước với tổng cộng hơn 200 người. Đây là chuyến công tác cuối cùng trong năm 2018 của các đoàn đến thăm các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. 

Đúng 8 giờ, tàu được lệnh rời cảng. Thủy thủ đoàn gồm 27 người cùng 19người của tổ phục vụ vào vị trí thực hiện nhiệm vụ. Sau khi được sự đồng ý của Chuẩn đô đốc Đoàn Văn Chiều, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân - Trưởng đoàn công tác, chúng tôi được gặp thủy thủ đoàn tại buồng lái của tàu.

Trò chuyện với chúng tôi, đại úy Nguyễn Thanh Hải (34 tuổi), Thuyền trưởng tàu KN-491 cho biết anh quê gốc huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Các đây vài năm, gia đình anh đã chuyển vào TP Nha Trang (Khánh Hòa) sinh sống. Bố mẹ anh công tác tại Học viện Hải quân, họ chính là động lực để anh Hải theo học tại học viện sau khi tốt nghiệp THPT. 

Để có một chuyến công tác an toàn cho các đại biểu, các anh phải mất ít nhất 3 ngày chuẩn bị. Từ lau dọn tất cả 250 phòng trên tàu đến giặt giũ chăn màn, gối đệm... Tàu có 3 tổ làm việc, gồm ca máy, ca hàng hải và ca thông tin. Sau đó, các ca được chia thành các kíp trực. Từ đầu năm đến nay, đây là chuyến thứ tư tàu KN-491 đưa cán bộ, người dân ra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, mỗi chuyến đi dài từ 9-10 ngày.

Theo đại úy Hải, 27 thủy thủ đoàn sống và làm việc với nhau tới 11 tháng/năm nên mọi người coi nhau như anh em ruột. Anh em thường nói với nhau: "Tàu là nhà, biển đảo là quê hương". 

Trong số 27 thủy thủ đoàn của tàu KN-491, nhiều người có gia đình, vợ con, người yêu ở rất xa. Mỗi năm các thủy thủ được về thăm nhà từ 25-35 ngày. Có người ở các tỉnh miền Bắc thậm chí đã 2 năm nay chưa được về thăm nhà. "Một năm, chúng em được về phép 1 lần nhưng mọi người thường nhường nhau. Bản thân em có người yêu ở Hà Nội nhưng đã 2 năm nay chưa được về thăm quê. Đáng ra Tết vừa rồi em được nghỉ phép nhưng có một anh trong đoàn cưới vợ nên em nhường phép cho anh ấy", đại úy Đỗ Đăng Đại 28 tuổi, quê Ứng Hòa (Hà Nội) nói.

Biển của ta, đảo của ta

Theo đại úy Ngô Minh Phúc, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên tàu KN-491, một số chuyến đi từ đất liền ra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, tàu không ít lần gặp phải tàu nước ngoài. Có những lúc tàu nước ngoài theo sát tàu KN-491 và có hành động khiêu khích nhưng các thủy thủ đoàn luôn bình tĩnh đối phó. "Biển của mình, đảo của mình nên chẳng có gì phải sợ. Anh em điều khiển tàu đi đúng luật hàng hải quốc tế", đại úy Phúc nói.

Kỷ niệm đại úy Phúc nhớ nhất sau 3 năm đưa tàu KN-491 vào hoạt động là chuyến đưa đoàn Việt kiều ra đảo đầu năm 2018. "Các thành viên trong đoàn hầu hết đều trên 70tuổi, thậm chí có cụ 90 tuổi nhưng vẫn quyết tâm ra thăm quần đảo của Tổ quốc nằm giữa trùng khơi. Khi tàu rời đảo, các Việt kiều ra boong tàu ngoái lại nhìn khi các đảo khuất khỏi tầm mắt", đại úy Phúc kể.

Còn với đại úy Nguyễn Thanh Hải, chuyến tàu chở cán bộ, người dân ra thăm đảo đầu tháng 4 vừa qua khiến anh không khỏi xúc động. "Gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên biển động rất mạnh, gió cấp 9-10. Hầu hết đoàn công tác đều say sóng. Nhưng khi đến đảo, mọi người không ai bảo ai đều mang theo những phần quà để tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đến nhà giàn DK1, sóng to tàu không cập được nên các thành viên trong đoàn dùng lời ca tiếng hát của mình để động viên các cán bộ, chiến sĩ. Hầu hết mọi người đều ra đảo lần đầu", đại úy Hải kể.

PHƯƠNG LINH

Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đợt này có 19 thành viên, gồm đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương, phóng viên báo chí, do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Trước khi lên đường ra Trường Sa, đoàn đã dâng hương tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Trung tâm của khu tưởng niệm là cụm tượng đài chính mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma. Khu tưởng niệm còn có bảo tàng ngầm là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu mộ gió của 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ngày 14.3.1988.