Sẵn sàng đưa quả vải xuất ngoại
Kinh tế - Ngày đăng : 13:31, 25/05/2018
Những năm trước, quả vải Hải Dương đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường khó tính. Trong ảnh: Sơ chế vải xuất khẩu sang Australia của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Rồng Đỏ. Ảnh tư liệu
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã "cắm chốt" ở các vùng vải để thu mua, sơ chế, sẵn sàng đưa quả vải Hải Dương đến nhiều vùng đất mới trên thế giới.
Khơi thông thị trường
Mặc dù chưa vào chính vụ vải thiều nhưng đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đã có mặt ở vùng vải xuất khẩu xã Thanh Thủy (Thanh Hà) để khảo sát chất lượng vải thiều. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty cho biết: "Mảnh đất trù phú của Thanh Hà đã cho quả vải ở đây có hương vị riêng, khác biệt so với các vùng khác. Do đó, chúng tôi quyết định chọn vùng "đất tổ" của cây vải để thu mua xuất khẩu". Theo bà Vy, hiện nay nhiều doanh nghiệp tại Mỹ và các nước EU muốn mua vải thiều Việt Nam để cung cấp cho chuỗi cửa hàng của họ. Với cách chăm sóc chu đáo, cẩn thận cùng với thương hiệu vải thiều đã được khẳng định từ lâu, doanh nghiệp khá yên tâm khi thu mua vải ở đây để xuất khẩu sang các thị trường này.
Theo Sở Công thương, cùng với việc mở rộng tiêu thụ tại thị trường trong nước, việc khơi thông thị trường xuất khẩu cho quả vải rất cần thiết. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến thăm và đặt vấn đề thu mua quả vải của Hải Dương để xuất khẩu, trong đó có một số doanh nghiệp mới từ miền Nam. Ngoài thị trường truyền thống, năm nay quả vải tiếp tục có cơ hội được xuất sang châu Âu, Nam Phi, Trung Đông…
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách) cho biết: "Sau 2 năm thử thách, quả vải Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng ở thị trường Hàn Quốc. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho quả vải không còn khó khăn như những năm trước. Trước vụ vải, doanh nghiệp đã làm việc với các đối tác nắm bắt những yêu cầu mới của thị trường, khảo sát vùng nguyên liệu để ký kết hợp đồng xuất khẩu quả vải được thuận lợi”. Dự kiến sản lượng vải chế biến được doanh nghiệp này xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 10% so với năm trước.
Để giúp doanh nghiệp xuất khẩu vải thuận lợi sang thị trường Trung Quốc, năm nay Cục Bảo vệ thực vật sẽ linh động kiểm dịch thực vật ngay tại các vùng trồng vải thay vì tại cửa khẩu như trước đây. Cục sẽ bố trí các phòng kiểm dịch thực vật lưu động tại các vườn vải xuất khẩu để kiểm dịch và cấp chứng thư tại chỗ; giúp rút ngắn thời gian thông quan, giảm ùn ứ tại các cửa khẩu vào cao điểm thu hoạch vải thiều. Theo bà Phạm Thị Mười, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phúc Cường (Thanh Hà), cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được những quy định mới về kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc vừa ban hành.
Gõ cửa thị trường khó tính
Xuất khẩu quả vải vào những thị trường khó tính là mục tiêu của các ngành chức năng của tỉnh cũng như các doanh nghiệp vì sẽ giúp tăng giá trị quả vải. Vừa mới xuất khẩu thử 5 tạ vải sớm sang thị trường Anh, bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc Công ty Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà cho biết: "Mặc dù Anh là một thị trường khó tính nhưng cơ hội xuất khẩu sang thị trường này khá lớn, giá trị xuất khẩu cao hơn nhiều lần so với đưa sang Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa. Người tiêu dùng Anh khắt khe trong lựa chọn thực phẩm nhưng những năm qua, chúng tôi đã xuất khẩu thành công nhiều lô vải sang thị trường Pháp nên việc xuất khẩu sang Anh cũng không quá khó".
Bà Lê Cẩm Tú, Công ty CP Thương mại và xuất nhập khẩu Liên Hưng Phát (Hà Nội) cho biết: "Vụ vải năm 2017, chúng tôi đã xuất khẩu được 100 tấn vải tươi và cấp đông sang Australia, Hàn Quốc. Vụ vải năm nay, doanh nghiệp tiếp tục chinh phục những thị trường này do lợi nhuận cao, thương hiệu quả vải được khẳng định". Hải Dương đã xây dựng được nhiều vùng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và đã xuất khẩu thành công sang Mỹ, một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới nên các doanh nghiệp khá tự tin khi thu mua quả vải của Hải Dương để xuất khẩu.
Sở Công thương đang tích cực đẩy mạnh giao thương, kết nối với các doanh nghiệp, giúp tiêu thụ vải. Sở đã gửi hơn 200 thư mời cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ vải tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với chất lượng đã được khẳng định cùng với sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và các ngành chức năng, quả vải Hải Dương được dự báo sẽ có một mùa xuất khẩu thuận lợi.
HẢI MINH