Trung Quốc đứng sau nguy cơ hủy hội đàm Mỹ - Triều?

Thế giới - Ngày đăng : 09:17, 26/05/2018

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn nguồn tin ngoại giao của họ cho rằng Trung Quốc chính là nguyên nhân đứng sau việc ông Trump hủy cuộc đối thoại với Triều Tiên.

Trung Quốc đứng sau nguy cơ hủy hội đàm Mỹ - Triều? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: KCNA

Nhiều nhà ngoại giao tại Bắc Kinh cho rằng chính mối quan hệ ấm lên "đột biến" giữa Trung Quốc và Triều Tiên thời gian qua đã là nguyên nhân khiến ông Trump bất ngờ hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Những nguồn tin ngoại giao của Kyodo nhận định Triều Tiên đã nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh từ mùa xuân năm nay và bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn với Mỹ trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho cuộc hội đàm Mỹ - Triều dự kiến ngày 12.6 tại Singapore.

Tuy nhiên, phản ứng của ông Trump đã "đi quá xa" so với những ước tính của Bình Nhưỡng, buộc nhà lãnh đạo Kim Jong Un phải cân nhắc lại chiến lược của Triều Tiên trong việc hướng tới mục tiêu có thể đạt được những bảo đảm an ninh đáng kể từ Mỹ.

Trung Quốc đứng sau nguy cơ hủy hội đàm Mỹ - Triều? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump tuyên bố hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều tối 24.5 (giờ Việt Nam)

Thời gian qua quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã ấm lên một cách đáng kinh ngạc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên trong tháng 3 đã tới Bắc Kinh để hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đầu tháng này ông Kim và ông Tập còn có một cuộc gặp nữa trong hai ngày tại TP Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc.

Chuyến công du của ông Kim tới Trung Quốc hồi tháng 3 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền sau khi cha ông là ông Kim Jong Il tạ thế năm 2011.

Kể từ sau chuyến thăm đó, nhiều quan chức cấp cao hai nước còn có những chuyến công tác qua lại khác giữa hai bên.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng Bắc Kinh cũng đã đồng tình ủng hộ Bình Nhưỡng xúc tiến các cuộc đàm phán với Mỹ.

Các nhà ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh đã luôn theo dõi sát sao mọi động thái tương tác qua lại giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Ngày 24.5 khi có những thông tin đồn đại việc một quan chức cấp cao Triều Tiên đang tới Bắc Kinh, các nhà ngoại giao Mỹ đã tìm mọi cách thu thập tin tức, thậm chí một số người còn gọi điện cho các nhà báo để săn lùng thông tin.

Trước cuộc hội đàm Trump - Kim, phía Mỹ vẫn luôn "hết sức quan tâm tới những vấn đề mà Trung Quốc và Triều Tiên thảo luận với nhau, việc Trung Quốc và Triều Tiên có ký kết thỏa thuận nào không, và mối quan hệ ấm lên giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều", nguồn tin của Kyodo cho biết.

Ông Trump tỏ ra rất bực mình với những tiếp xúc của ông Kim với ông Tập, cho rằng ông đã nhận ra sự thay đổi trong giọng điệu của Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp của họ ngày 7-8.5 tại Đại Liên, Trung Quốc.

"Đã có một thái độ nào đó khác đi sau cuộc gặp này, và tôi hơi ngạc nhiên", ông Trump nói như vậy trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng đầu tuần này. "Tôi không thích điều đó… Tôi không thể nói là tôi hài lòng về chuyện này".

Trung Quốc đứng sau nguy cơ hủy hội đàm Mỹ - Triều? - Ảnh 3.

Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan (phải) vẫy tay chào khi ông đến Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 18.6.2013 - Ảnh: AP

Phát biểu trước báo giới ngày 25.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: "Chúng tôi không có ý đồ bí mật nào".

Nhưng ông Tong Zhao, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc và Triều Tiên có quan hệ "đặc biệt" và chắc chắn sẽ có những liên lạc hậu trường giữa họ với nhau trong giai đoạn chuẩn bị cho hội đàm Mỹ - Triều.

Ông Tetsuo Kotani, phó giáo sư đại học Meikai (Nhật Bản), phát biểu trong một chương trình truyền hình cho rằng Triều Tiên "đã có quan điểm sai lầm".

Nhiều giờ sau tuyên bố hủy cuộc gặp của ông Trump, ông Kim Kye Gwan, thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên đã mau chóng phát thông báo kêu gọi Mỹ cân nhắc lại về quyết định này.

Hãng thông tấn KCNA dẫn thông cáo có đoạn: "Chúng tôi muốn nói rõ lại một lần nữa với phía Mỹ là chúng tôi có ý định muốn ngồi lại với Mỹ để giải quyết vấn đề theo mọi phương thức và vào bất cứ lúc nào".

D. KIM THOA (Tuổi trẻ)