Đại biểu tranh luận: Bênh vực bác sĩ Lương khi tòa đang xử đúng hay sai?
Chính trị - Ngày đăng : 10:33, 26/05/2018
Người đầu tiên nêu ra vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội ngày 26.5 là Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. Ông bày tỏ suy nghĩ rằng "có thể bác sĩ Lương vô tội" và đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang có mặt ở hội trường lên tiếng.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) giơ biển tranh luận để phản biện ông Lợi cũng như một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến xung quanh phiên toà xét xử vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BVĐK Hoà Bình những ngày qua.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Ảnh: VTV
Đại biểu không làm thay toà án
"Nhiều đại biểu quan tâm đến phiên tòa xét xử vụ án tai biến do chạy thận nhân tạo ở BVĐK Hòa Bình là thể hiện trách nhiệm cao. Tuy nhiên đã có những đại biểu kết luận là có oan, sai ở phiên tòa này, thậm chí dẫn dắt dư luận về việc bác sĩ Lương có tội hay không có tội", ông Sinh đặt vấn đề.
"Phát ngôn như vậy trong khi tòa án đang xét xử là rất cảm tính và không khách quan. Toà án vẫn đang trong quá trình tranh tụng, luận tội, chưa đưa ra phán quyết nào cả, những phát ngôn như vậy thực sự không đem lại thuận lợi cho việc giải quyết đúng đắn vụ án của hội đồng xét xử".
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Ảnh: VIỄN SỰ
Đại biểu Hoà Bình cũng lưu ý "đã có những sự định hướng lên dư luận, tạo sức ép không cần thiết lên những hoạt động đúng đắn của các cơ quan tố tụng" trong vụ án này.
"Nếu như ĐBQH có cơ sở, có căn cứ để giúp cho việc các cơ quan bảo vệ pháp luật làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật cũng có quy định để giải quyết vụ án", ông Nguyễn Tiến Sinh thẳng thắn.
Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình tại Quốc hội sáng 26.5 - Ảnh: VTV
"Chúng tôi không định hướng xét xử"
Ngay lập tức, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) - một PGS.TS Y khoa - đã đứng dậy tranh luận. Ông Tuấn cho rằng không chỉ các nhân viên y tế mà đông đảo cử tri quan tâm đến sự minh bạch, khách quan, công tâm của phiên tòa này.
"Bởi chúng ta không thể xử một người về trách nhiệm khi họ không được giao trách nhiệm. Chúng ta không thể quy tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó không có. Chúng ta không thể quy trách nhiệm một bác sĩ khi họ chỉ biết cứu người và làm đúng chức trách...", ông Tuấn phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Ảnh: VIỄN SỰ
"Tôi mong rằng phiên xử này sẽ mang lại tiếng nói công minh, mang lại lòng tin cho các nhân viên y tế. Có một tiếng nói từ lương tri khách quan để bảo vệ cho công lý, cho các thầy thuốc ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh cho dù họ còn chưa được bảo vệ trước những hành động quá khích...", đại biểu Hà Nội chia sẻ.
Tiếp tục cuộc tranh luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) - một PGS trong ngành y tế từng phát biểu bênh vực bác sĩ Lương tại Quốc hội - nêu quan điểm: "Ở đây tôi không nói đúng hay sai nhưng chúng tôi trả lời báo chí, phát biểu quan điểm của mình là thể hiện quyền của người đại biểu của nhân dân".
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: VTV
Bà Lan khẳng định bà và nhiều đại biểu không định hướng cho tòa. Tất cả sẽ được xử theo pháp luật và phải được nhìn toàn diện.
"Chúng tôi nghĩ rằng tất cả là con người. Tòa cũng có thể sai lầm hoặc chưa lắng nghe được ý kiến của tất cả các bên. Thông qua nghị trường Quốc hội, báo chí, chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm với phát biểu của mình", bà Lan nói.
"Chúng ta đã có những tiền lệ. Thử hỏi nếu không có dư luận, nếu không có những phân tích thì vụ án VN Pharma bán thuốc ung thư giả có được tòa cấp cao xem lại hay không?"
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Quốc hội sáng 26.5 - Ảnh: VTV
Theo bà Lan, mọi người đang sống trong một xã hội dân chủ và tất cả các ý kiến đều phải được tôn trọng.
"Chúng tôi khẳng định không có sự định hướng với việc xét xử của tòa. Nếu tòa xét xử đúng thì nó vẫn là đúng", đại biểu TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
"Chúng tôi muốn làm sao đánh giá đúng người đúng tội. Chúng tôi mong chờ ở Bộ Y tế, Sở Y tế các cấp có tiếng nói bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, bảo vệ nhân viên của họ khi họ làm đúng".
VIỄN SỰ (Tuổi trẻ)