Bất cập cán bộ thú y không có chuyên môn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:23, 28/05/2018
Cán bộ thú y xã phải trực tiếp tiêm phòng cho vật nuôi và hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng bệnh
Nhưng cách làm cơ học đang gây khó khăn trong quản lý công tác thú y tại địa phương.
Không có chuyên môn
Ngô Quyền (Thanh Miện) là xã thuần nông nên có đến hơn 50% số hộ chăn nuôi. Trên địa bàn xã Ngô Quyền hiện có hơn 5.000 con lợn thịt và gần 90.000 con vịt. Do vậy, nếu không làm tốt công tác thú y thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất lớn. Tháng 6.2017, trên địa bàn xã xảy ra dịch tả trên đàn vịt. Mặc dù dịch bệnh lan rộng nhưng cả Trưởng và Phó Ban Thú y xã đều chậm trễ trong việc báo cáo với ngành chức năng do không ai chịu trách nhiệm chính. Đến khi ngành chức năng phát hiện thì toàn xã đã có hơn 10.000 con vịt bị chết, các hộ chăn nuôi bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Quốc Hoa, Phó Trưởng Ban thú y xã Ngô Quyền cho biết: "Dù là Phó Trưởng Ban thú y xã nhưng mọi việc từ tiêm phòng đến tư vấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng bệnh tôi đều phải làm. Công việc ngày càng nhiều lên trong khi phụ cấp lại giảm so với trước. Còn cán bộ địa chính được giao kiêm nhiệm Trưởng Ban Thú y xã do bận nhiều việc nên chỉ nắm bắt số liệu chăn nuôi chung của xã, ít có thời gian đi thực tế".
Không chỉ gây bất cập cho cán bộ thú y mà việc này còn gây khó cho cán bộ khi phải kiêm nhiệm chức danh này. Mặc dù đã từng học qua lớp sơ cấp thú y nhưng anh Lê Huy Trường, cán bộ địa chính-thủy lợi xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) không khỏi lúng túng khi tiếp nhận công việc mới. "Cẩm Điền là xã công nghiệp rất phát triển nên chăn nuôi chỉ nhỏ lẻ, số lượng không nhiều. Trong khi đó, công việc giao thông-địa chính của xã rất lắm việc nên tôi không có nhiều thời gian dành cho công tác thú y. Ngoài việc báo cáo giao ban với ngành thú y hằng tháng, tôi không rõ mình cần làm những công việc nào vì chưa được tập huấn".
Theo anh Nguyễn Văn Quang, Phó Trạm Trưởng Trạm Thú y huyện Thanh Miện, hiện mới có một số xã ở địa bàn huyện thực hiện chức danh thú y kiêm nhiệm. Ở những xã đã thực hiện, công tác chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn cán bộ kiêm nhiệm đều là cán bộ không có chuyên môn. Do không có chuyên môn nên khi thực hiện công việc của ngành giao như việc tiêm phòng vaccine, tư vấn, hướng dẫn cho người dân cách phòng bệnh trong chăn nuôi rất khó khăn. Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh, những cán bộ kiêm nhiệm này không biết xử lý thế nào.
Lựa chọn cán bộ phù hợp
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 60 xã, phường, thị trấn thực hiện chức danh thú y kiêm nhiệm. Trong đó, 40% cán bộ kiêm nhiệm chưa được đào tạo về thú y. Theo Đề án 01 của Tỉnh ủy, để giảm bớt số cán bộ ở địa phương và tiết kiệm ngân sách thì ở các xã, cán bộ địa chính-thủy lợi 2 sẽ kiêm Trưởng Ban thú y xã. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm của từng xã mà việc lựa chọn cán bộ cũng khác nhau. Nhiều xã lựa chọn công an viên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân... Cá biệt có nơi chọn bí thư chi bộ thôn kiêm luôn cán bộ thú y. Những cán bộ này khi được giao nhiệm vụ phần lớn đều không có chuyên môn, nghiệp vụ về thú y. Trong khi đó, công việc này đòi hỏi những người có chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm mới có thể thực hiện được.
Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết hằng năm chi cục đều tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở, trong đó có cả những cán bộ thú y mới kiêm nhiệm. Nhưng số lượng các lớp tập huấn có hạn nên không thể bảo đảm chuyên môn cho các cán bộ thú y mới kiêm nhiệm. Do vậy, khi các địa phương giao nhiệm vụ thú y kiêm nhiệm cần lựa chọn cán bộ phù hợp. Bên cạnh đó, UBND cấp xã cần có kế hoạch đào tạo và báo cáo với Trạm Thú y, Chi cục Thú y để được hỗ trợ về đào tạo. "Việc thực hiện kiêm nhiệm chức danh thú y ở cơ sở là chủ trương, chính sách đúng nhằm giảm số cán bộ không chuyên trách hưởng trợ cấp từ nguồn ngân sách. Nhưng để việc kiêm nhiệm có hiệu quả, cán bộ kiêm nhiệm cần được đào tạo phù hợp như thú y, chăn nuôi – thú y, thú y - thủy sản và đáp ứng theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", ông Hoạt nói.
TRẦN HIỀN