Cháu ca nương, ông kép đàn

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 15:30, 28/05/2018

Tiếng phách, điệu đàn cùng lời ca trù đang được gìn giữ từ chính những người nghệ sĩ nông dân, góp phần duy trì sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật này.


Ca nương An Nguyễn Thủy Tiên, 9 tuổi, thành viên của CLB Ca trù Trung tâm Văn hóa tỉnh (giữa) biểu diễn tiết mục "Ca ngợi công ơn thầy" tại Giao lưu ca trù tỉnh lần thứ VIII

Già hát, trẻ cũng hát

Buổi giao lưu ca trù tỉnh lần thứ thứ VIII được tổ chức vào tối 24.4 có trên 50 nghệ nhân, ca nương, kép đàn, kép trống đến từ 6 câu lạc bộ (CLB) ca trù trong tỉnh thâm gia. Bên cạnh lớp nghệ nhân đã qua tuổi bảy mươi còn xuất hiện những ca nương, kép trống trẻ tuổi.

Không ít người xem bất ngờ bởi ngoại hình, giọng hát của em Trần Thị Bạch Dương, 7 tuổi, ở thôn Phú Đa, xã Hồng Khê (Bình Giang). Đây là ca nương nhỏ tuổi nhất trong liên hoan năm nay. "Em học hát ca trù từ ông nội. Ngoài giờ học, em đều dành thời gian để học hát, tập luyện các bài ca trù. Em mong muốn sau này sẽ trở thành một ca nương tài năng", em Dương cho biết. Tiết mục "Ca ngợi công ơn thầy" của ca nương An Nguyễn Thủy Tiên (9 tuổi), thành viên CLB Ca trù Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng gây ấn tượng với người xem. Những gương mặt ca nương, kép trống nhỏ tuổi như một luồng gió mới cho nghệ thuật ca trù, chứng tỏ tình yêu ca trù vẫn đã, đang và sẽ được trao truyền cho lớp thế hệ kế cận.

Môn nghệ thuật vừa kén người nghe vừa kén người học như ca trù rất cần tâm huyết, tài năng của các nghệ nhân cao tuổi. Ra đời gần 10 năm nay, CLB Ca trù xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) vẫn sinh hoạt đều đặn. Xã Dân Chủ vốn được xem là cái nôi của nghệ thuật ca trù. Bỏ lại những lo toan của cuộc sống thường ngày, người nông dân yêu ca trù có khoảng thời gian được sống với tình yêu văn nghệ của mình. Chẳng cần quần áo, son phấn cầu kỳ, nhưng mỗi buổi sinh hoạt đều thu hút rất đông người dân đến xem. Chính sự yêu mến, cổ vũ nhiệt tình đó đã tiếp thêm sức mạnh và cống hiến của những thành viên trong CLB. 

Hiện nay, CLB tích cực đưa ca trù vào trường tiểu học để có thêm nhiều em nhỏ biết đến. CLB quy tụ những nghệ nhân nổi tiếng như Nguyễn Phú Đẹ, Trương Quang Hiến... Dù ngoài 80 tuổi nhưng những nghệ nhân này vẫn tâm huyết lưu giữ và truyền dạy ca trù cho thế hệ sau.

Thành lập tháng 11.2017, CLB Ca trù huyện Bình Giang đã thu hút 10 thành viên tham gia gồm cả những người trẻ tuổi, trung tuổi. Tại liên hoan ca trù lần này, CLB có 3 thành viên trong cùng 1 gia đình tham gia biểu diễn. Đó là gia đình ông Trần Văn Thả ở xã Hồng Khê. Hình ảnh ông đàn, cháu hát không chỉ làm lay động lòng người mà còn là hình ảnh của sự tiếp nối nghệ thuật truyền thống.

Đôi điều trăn trở

Thời gian qua, Hải Dương đã có những hoạt động bảo tồn bộ môn nghệ thuật ca trù. Sau khi ca trù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động bảo vệ di sản hát ca trù giai đoạn 2010-2020. Những lớp tập huấn, khóa truyền dạy ca trù ngắn hạn tại các Trung tâm Văn hóa ở các huyện đã phát hiện, bồi dưỡng những thành viên măng non. Bên cạnh đó, hoạt động của các CLB chính là môi trường để những người yêu ca trù duy trì tình yêu, ngọn lửa đam mê này. 

Tuy nhiên, không ít khó khăn, thách thức đặt ra như thiếu chính sách, kinh phí duy trì hoạt động... khiến nhiều nghệ nhân không khỏi trăn trở. Ông Trần Văn Thả, thành viên CLB Ca trù Bình Giang cho biết: “Học ca trù không phải ngày một ngày hai là xong mà đòi hỏi cả quá trình. Ít cũng phải mất 5 năm, đó mới chỉ tạm gọi là biết hát. Nếu không có tâm huyết và sự động viên từ các cấp thì nhiều người sẽ bỏ dở giữa chừng”.

Dù xuất hiện thế hệ kế cận mới thì điều cần thiết vẫn phải là chính sách hỗ trợ giúp cho họ có thể sống được với nghề. Liên hoan vẫn chỉ là người trong nghề biết với nhau, số lượng khán giả đến xem còn ít. Việc tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu sẽ đưa ca trù đến gần hơn với công chúng.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

THẢO NGUYỄN