Sốt đất do dịch chuyển kênh đầu tư mạnh nhất 10 năm
Kinh tế - Ngày đăng : 05:37, 30/05/2018
Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam cho rằng các kênh đầu tư tài chính khác ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết vô tình tạo thuận lợi cho đất nền hoặc nhà liền thổ "sốt" thời gian qua.
Theo đánh giá của chuyên gia này, chứng khoán lên xuống liên tục, biến động quá mạnh và khó lường, đòi hỏi phải có chuyên môn cũng như buộc phải theo dõi từng phiên.
Vàng và ngoại tệ mất dần tính hấp dẫn vì ngày càng có ít cơ hội chốt lời hơn. Tiết kiệm vẫn bị ảnh hưởng bởi trượt giá và còn quá thụ động. Tiền ảo mới mẻ và thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư nhưng chưa phải là kênh chính thống. Pháp lý của kênh đầu tư này lỏng lẻo hoặc bị trá hình qua chiêu bài kinh doanh đa cấp với không ít tiêu cực xảy ra.
Cuối cùng, chỉ còn lại đất nền và những tài sản gắn liền với đất là một kênh đầu tư đơn giản, đảm bảo được 2 tiêu chí quan trọng: an toàn và hấp dẫn so với mặt bằng chung toàn thị trường đầu tư tài chính.
"Sự dịch chuyển dòng vốn về kênh đầu tư đất nền đang diễn ra mạnh mẽ nhất trong vòng một thập niên qua. Cơn sốt đất nhiều khả năng đã được tạo ra từ nguyên lý dịch chuyển đầu tư lớn này", ông Nam nhận định.
Mặt khác, dòng vốn trên thị trường đầu tư còn dịch chuyển từ chứng khoán sang bất động sản theo quy tắc chốt lời và hiện thực hóa tài sản.Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự báo, quy tắc bình thông nhau giữa 2 thị trường địa ốc và chứng khoán đã từng để lại dấu ấn đậm nét trong giai đoạn 2006-2007, thời kỳ được xem là hoàng kim của chứng khoán lẫn bất động sản. Kịch bản này đã tiếp diễn trong năm 2017 và nhiều khả năng sẽ lặp lại trong năm 2018.
Bất động sản khu Đông TP HCM, nơi được xem là tâm điểm của cơn sốt đất các năm 2017-2018. Ảnh: Vũ Lê |
Ông Hiển giải thích, dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư thắng chứng khoán đã và đang tạo mạch ngầm dịch chuyển sang địa ốc, giúp thị trường này đón nhận thêm rất nhiều dòng vốn mới. Nhiều cột mốc lịch sử của thị trường đầu tư tài chính cho thấy, những người đã "hái" ra tiền từ chứng khoán thường hiện thực hóa các khoản lời (chốt lời) bằng việc tậu đất, mua nhà.
Trong khi đó, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng cú sốc cháy chung cư Carina diễn ra cuối tháng 3.2018 cũng là chất xúc tác mới thúc đẩy thị trường đầu tư dịch chuyển đáng kể từ cán cân căn hộ sang đất nền và nhà liền thổ.
Ông Nghĩa dự báo tâm lý ngán căn hộ trong giới đầu tư sẽ xuất hiện trong ngắn hạn. Ngoại trừ những người đang cân nhắc mua căn hộ vấp phải rào cản tâm lý nhưng vẫn tiếp tục thực hiện giao dịch, giới đầu tư căn hộ (cho thuê, mua đi bán lại) chắc chắn sẽ có phản ứng rõ ràng hơn, đó là dịch chuyển sang kênh đầu tư khác an toàn hơn. Đích đến của dòng vốn này nhiều khả năng là nhà liền thổ hoặc đất nền. Khó khăn ngắn hạn của thị trường căn hộ sẽ khiến giới đầu tư dịch chuyển sang kênh khác an toàn hơn là bất động sản liền thổ.
Trong báo cáo về biến động giá đất gần đây, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, Sử Ngọc Khương đưa ra nhận định sự cố cháy nổ một số chung cư cũng là yếu tố dịch chuyển đầu tư sang nhà gắn liền với đất. Tích lũy của người dân nhiều hơn và nhà đất đang trở thành một loại hình “của để dành” đáng giá.
Đánh giá từ bộ phận Nghiên cứu tư vấn Savills, việc giá đất tăng hiện nay có mặt tiêu cực là mặt bằng giá cao sẽ hạn chế sự lựa chọn cho người mua với khả năng tài chính khiêm tốn. Theo dữ liệu thị trường thứ cấp của đơn vị này, tính đến thời điểm quý I/2018, tại các quận có quy hoạch tốt, giá bán đất nền tăng 5%-15% theo quý và 15-25% theo năm.
Đơn vị này dự báo, với lực đỡ từ cú hích đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng tích cực, thị trường bất động sản liền thổ vẫn sẽ được kích cầu thời gian tới. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn của kênh này sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư diễn ra, có thể đưa mặt bằng giá tiếp tục đi lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trái với góc nhìn đầy lạc quan của Savills, vẫn có không ít quan ngại về tương lai của thị trường bất động sản khi cơn sốt đất cứ lặp đi lặp lại và ngày càng lan rộng đến khó lường, đẩy thị trường đến nguy cơ hình thành bong bóng.
Tổng giám đốc một công ty tư vấn đầu tư có trụ sở tại trung tâm Sài Gòn đánh giá, sốt đất trong thời gian qua là quá trình tích tụ bong bóng và sớm muộn nhiệt độ của thị trường sẽ bị điều chỉnh từ nóng sốt sang lạnh dần rồi đóng băng. Theo chu kỳ phát triển của thị trường, giá đất không thể tăng mãi và chắc chắn sau khi hết chu kỳ tăng sẽ bước vào chu kỳ giảm. Tỷ lệ giảm sẽ tùy thuộc vào từng vị trí và khu vực. Khi đà giảm xuất hiện, tâm lý thị trường sẽ dần biến chuyển từ trạng thái tích cực sang tiêu cực.
Theo chuyên gia này, cơn sốt đất có dấu hiệu đáng lo ngại là giới đầu cơ, môi giới tác động quá sâu vào thị trường làm thay đổi tâm lý của người mua, đầu tư, đầu cơ nhà đất. Với nhà đầu tư đất nền đang vay quá ngưỡng an toàn, chỉ cần có sự thay đổi chính sách cũng có thể khiến suất đầu tư bị ảnh hưởng mạnh. "Một khi có bộ phận nhà đầu tư thua lỗ, thị trường sẽ xuất hiện tình trạng giá đi ngang, sụt giảm và bán tháo. Đó là mắt xích đầu tiên cho cú đổ vỡ bong bóng bất động sản", ông dự báo.
Theo VnExpress