Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ vụ 9 người chạy thận tử vong
Pháp luật - Ngày đăng : 07:29, 30/05/2018
Đại diện Viện kiểm sát tranh luận tại phiên xử chiều 29.5
Sau 12 ngày xét xử và bốn ngày dành cho các luật sư của bác sĩ Hoàng Công Lương đưa ra quan điểm bào chữa, cuối buổi chiều nay đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đã đưa ra quan điểm đối đáp.
Cho bị can xem tài liệu khi lấy lời khai không phải mớm cung?
Kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng bác toàn bộ quan điểm của các luật sư cho rằng cơ quan điều tra (CQĐT) có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.
Về việc không có ghi âm ghi hình các buổi hỏi cung, theo VKS để triển khai trong thực tiễn cần lộ trình và thời gian chuẩn bị phương tiện kỹ thuật.
Cụ thể tháng 2.1018 Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình khi hỏi cung, trong vụ án này không có bản cung nào lấy vào thời điểm thông tư này có hiệu lực nên không cần thiết, bắt buộc phải ghi âm, ghi hình.
Luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bác sĩ Lương, tranh luận tại tòa
Về quan điểm của các luật sư cho rằng CQĐT có dấu hiệu vi phạm hoạt động hỏi cung khi cho bác sĩ Hoàng Công Lương xem sổ giao ban biên bản họp khoa khi lấy lời khai, theo VKS việc này xảy ra sau khi bác sĩ Lương khai về sổ giao ban.
VKS đưa ra căn cứ, ngày 30.6.2017, CQĐT thu giữ từ điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công 3 cuốn sổ giao ban. Trước thời điểm này, bác sĩ Lương đã có hai bản khai thể hiện rõ nhiệm vụ được phân công phụ trách về chuyên môn tại đơn nguyên thận nhân tạo. Do bác sĩ Lương không nhớ rõ thời gian nên CQĐT đã cho bị cáo xem sổ giao ban. "Việc này không mang dấu hiệu mớm cung vì bị cáo đã khai trước đó", VKS lập luận.
Bác sĩ Lương được giao phụ trách chuyên môn dù không có quyết định
Tại các phiên tranh tụng, cả 6 luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương đều cho rằng bác sĩ Lương không phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ dựa trên diễn biến phiên tòa các điều dưỡng đều thay đổi lời khai, cuốn sổ giao ban nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương được ghi thêm vào, đến nay không có quyết định, văn bản nào thể hiện.
Thậm chí luật sư Nguyễn Chiến còn cho rằng không thể xác đinh việc phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương "chỉ bằng cái vỗ vai".
Theo VKS, trong cáo trạng cũng như trong bản luận tội không khẳng định bị cáo Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo mà chỉ quy kết bị cáo được phân công phụ trách về chuyên môn tại đây. Căn cứ dựa trên chuyên môn của bác sĩ Lương phù hợp với lời khai của trưởng khoa và lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng thừa nhận.
Cụ thể, ngày 19.6.2017 tại CQĐT bị cáo Lương khai tại cuộc họp đầu năm 2017, trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu phân công cho bác sĩ Lương phụ trách điều trị về chuyên môn và quản lý phân công công việc cho các bác sĩ tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Ông Khiếu cùng phó trưởng khoa Hoàng Công Tình, điều dưỡng Đinh Tiến Công đều khai nhiệm vụ của bác sĩ Lương được giao phụ trách về chuyên môn. Bác sĩ Lương có trách nhiệm chính trong ra y lệnh chạy thận. 11 điều dưỡng cũng có lời khai tương tự.
Tại tòa các điều dưỡng thay đổi lời khai, cho rằng khai theo biên bản trong sổ giao ban do điều tra viên đưa cho, theo VKS "đây không phải sự thật khách quan và không làm thay đổi bản chất vụ án".
Từ những căn cứ trên, VKS đưa ra quan điểm bác sĩ Lương không được bố trí lãnh đạo quản lý nhưng được phân công nhiệm vụ phụ trách về chuyên môn tại đơn nguyên thận nhân tạo. Thực tế bác sĩ Lương là người cuối cùng quyết định ra y lệnh cho 18 bệnh nhân chạy thận ngày 29.5.2017 và xảy ra sự cố.
VKS cho rằng áp dụng nguyên tắc sự thật khách quan, tài liệu điều tra, lời khai ban đầu của bị cáo đủ căn cứ xác định bác sĩ Lương được giao nhiệm vụ quản lý chuyên môn tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Bác sĩ bắt buộc phải biết nguồn nước an toàn
Theo VKS, ngày 20.4.2017, bị cáo Lương ký đề nghị sửa chữa hệ thống nước RO, trong đó có nội dụng tẩy rửa màng RO. Đây không phải hành vi nguy hiểm nhưng cũng là căn cứ xác định trách nhiệm bị cáo với vai trò là người đề xuất sửa chữa.
Ngày 29.5, bác sĩ Lương chỉ nghe điều dưỡng thông báo đã sửa xong nhưng không xác minh thông tin, không kiểm tra văn bản bàn giao, xét nghiệm nguồn nước an toàn đã ra y lệnh chạy thận.
VKS đưa ra căn cứ, dựa vào quy trình lọc máu thận nhân tạo của Bộ Y tế cũng như quy trình lọc máu của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, trong 8 bước chạy thận thì bước 1 là kiểm tra nước không có chất sát trùng. "Với chuyên môn, chức trách nhiệm vụ được giao bị cáo Lương buộc phải biết chất lượng nước phải đảm bảo thì mới đưa vào chạy thận", VKS quy kết.
Bị cáo Lương không buộc phải biết tiêu chẩn nước theo tiêu chuẩn nào nhưng buộc phải biết tầm quan trọng nước RO, nghĩa là phải đảm bảo thực sự an toàn khi đưa vào người bệnh.
Bị cáo Lương cũng không báo cáo trưởng khoa, không xác minh thông tin sau sửa chữa. "Bị cáo Lương buộc phải kiểm tra thông tin có bàn giao thiết bị chưa, có căn cứ nào để xác định nguồn nước đảm bảo an toàn đưa vào chạy thận chưa. Thực tế và tại tòa bị cáo Quốc và Sơn khai chưa boàn giao thiết bị", VKS nêu quan điểm.
Theo VKS, nguyên nhân làm 8 bệnh nhân tử vong là do nguồn nước nhiễm hóa chất, nguyên nhân thứ 2 là việc không thực hiện đầy đủ các bước xác định đảm bảo nguồn nước an toàn. "Nếu bị cáo Lương thực hiện các bước đảm bảo đầy đủ thì hậu quả sẽ không xảy ra, trong trường hợp thực hiện đầy đủ mà hậu quả xảy ra thì trách nhiệm sẽ bị loại trừ", VKS đặt vấn đề.
Kết thúc phần đưa ra quan điểm, VKS cho biết tại tòa hôm nay xuất hiện chứng cứ mới là vi bằng ghi âm cuộc điện thoại ông Tình với ông Công. Qua xét hỏi có thấy dấu hiệu hợp lý hóa tài liệu phân công nhiệm vụ bác sĩ Lương. Để khẳng định có hay không có việc đối phó với CQĐT và việc đổ tội cho bác sĩ Lương, VKS nhận thấy cần tiếp tục cần đấu tranh làm rõ.
Bên cạnh đó, trong 2 văn bản Bộ Y tế trả lời CQĐT và luật sư về việc có bắt buộc xét nghiệm AAMI sau khi bảo dưỡng sửa chữa thiết bị còn nhiều mâu thuẫn.
Do hai tình tiết mới cần điều tra làm rõ, VKS đề nghị HĐXX xem xét cân nhắc việc trả hồ sơ điều tra bổ sung để đảm bảo tình khách quan và làm rõ một số vấn đề quan trọng.
Theo Tuổi trẻ