Có nên chuyển đất Trường Đại học Thành Đông thành đất ở?

Kinh tế - Ngày đăng : 12:35, 01/06/2018

Mới sử dụng gần 1/3 đất dự án, Trường Đại học Thành Đông đã đề nghị tỉnh cho điều chỉnh quy mô dự án và chuyển diện tích còn lại thành đất ở.


Diện tích đất Trường Đại học Thành Đông còn bỏ hoang

Sau hơn 7 năm được giao đất, đến nay, Trường Đại học Thành Đông mới xây dựng và sử dụng gần 1/3 đất dự án, diện tích còn lại vẫn bỏ hoang. Hội đồng quản trị và Ban Giám hiệu nhà trường đã đề nghị tỉnh được điều chỉnh quy mô dự án và chuyển diện tích còn lại thành đất ở. Việc này liệu có hợp lý?

Đất bỏ hoang

Đại học Thành Đông là trường tư thục được thành lập tháng 9.2009. Đầu năm 2011, trường được UBND tỉnh giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 170.600 m2 đất, thời hạn sử dụng 50 năm, tại phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Sau hơn 7 năm được giao đất, đến nay, trường mới xây dựng và đưa vào sử dụng được 10 hạng mục công trình, tổng diện tích đất đã sử dụng khoảng 5 ha. Diện tích còn lại vẫn đang bỏ hoang. Hiện nay, trường có khoảng 1.300 sinh viên theo học, bằng gần 20% số sinh viên theo đề án đã được duyệt.

Đầu năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết luận thanh tra chỉ rõ vi phạm trong thực hiện dự án Trường Đại học Thành Đông là để đất hoang nhiều năm. Sau kết luận này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục các vi phạm sau kết luận thanh tra. Lãnh đạo nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đồng thời trồng cây xanh trong khuôn viên để tránh tình trạng đất bỏ hoang.

Mới đây, Trường Đại học Thành Đông đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc thực hiện dự án xây dựng trường. Lý giải về việc dự án chậm triển khai, ông Lê Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Công tác tuyển sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn do là trường tư thục, nằm xa Hà Nội, trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã có nhiều trường đại học. Hằng năm, trường không tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, dẫn đến việc đầu tư cơ sở vật chất bị chậm tiến độ so với cam kết. Trung bình mỗi  năm, trường chỉ tuyển sinh được khoảng 300 sinh viên chính quy.

Không nằm trong quy hoạch đất ở

Trước thực tế trên, Hội đồng quản trị nhà trường đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép được điều chỉnh quy mô dự án. Theo đó, diện tích khuôn viên trường sẽ giảm xuống còn từ 5 - 7 ha, quy mô đào tạo khoảng 3.000 sinh viên. Diện tích đất còn lại, nhà trường đề nghị cho phép điều chỉnh quy hoạch thành khu đất dân cư phục vụ nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, giảng viên của trường và người dân trong khu vực. 

Về đề nghị của nhà trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản xin ý kiến liên ngành. Đại diện Sở Xây dựng cho biết theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, vị trí Trường Đại học Thành Đông đã được quy hoạch là đất giáo dục - đào tạo. Theo quy hoạch phân khu xây dựng phường Tứ Minh, khu đất này cũng được quy hoạch là đất giáo dục. Như vậy, đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch một phần diện tích đất giáo dục của trường thành đất dân cư là không phù hợp. Hơn nữa, khu vực quanh Trường Đại học Thành Đông và phường Tứ Minh hiện đã và đang triển khai nhiều quy hoạch, dự án khu dân cư, đô thị với quỹ đất lớn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21.4.2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì vốn đầu tư thành lập trường tư thục tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với trước. Do đó, để thành lập được một trường đại học tư thục là hết sức khó khăn. Mặc dù Trường Đại học Thành Đông đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh nhưng với sự phát triển nhanh của Hải Dương thì tương lai trường sẽ có cơ hội để phát triển. Việc điều chuyển một phần diện tích đất giáo dục sang đất ở sẽ phá vỡ quy hoạch của trường.

Với thực tế khó tuyển sinh, không sử dụng hết diện tích đất được giao, việc giảm quy mô của Trường Đại học Thành Đông trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Mặc dù vậy, diện tích đất điều chỉnh giảm cần được giao cho tỉnh quản lý, giữ nguyên mục đích sử dụng là đất giáo dục và để dành cho phát triển trong giai đoạn sau.

LAN NGUYỄN