Nên vui hay là không?

Chính trị - Ngày đăng : 14:07, 03/06/2018

Đó là nỗi niềm của không ít phụ huynh sau khi tham gia buổi họp phụ huynh cuối năm học, đặc biệt ở khối tiểu học.

Ở hầu hết các trường đều có đến hơn 2/3 số học sinh của mỗi lớp đạt điểm thi cuối kỳ 9 điểm trở lên và được tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Số còn lại điểm thi thấp cũng từ 8 điểm trở lên. Nhưng vì các em còn chưa tốt trong một vài hoạt động tập trung của lớp, của trường hay thua kém các bạn ở một số điểm số phụ và cũng được giấy khen. Chỉ khác là cụm từ "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học" được thay bằng "có tiến bộ trong học tập". Đơn cử như Trường Tiểu học Bình Minh (TP Hải Dương) có hơn 1.400 học sinh thì có tới hơn 1.000 em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, số còn lại là "có tiến bộ trong học tập"… Chỉ có 2 học sinh lớp 1 phải rèn luyện lại trong hè do chưa đọc thông viết thạo và tính toán cộng trừ chưa tốt. Ở lớp học nào cũng thấy chất sẵn những chồng vở mới, những xấp giấy khen. Ban đại diện cha mẹ học sinh trích quỹ lớp mua cho mỗi cháu một phần quà nho nhỏ như chiếc bút máy, hộp bút… Vì cháu nào cũng được giấy khen nên phần thưởng cũng theo kiểu "mưa khắp mặt". 

Thông thường khi nghe thành tích của con, phụ huynh chắc sẽ cảm thấy vui, nhất là khi con được xếp vào diện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Đây là kết quả phấn đấu cả một năm học của con, là sự ghi nhận những tiến bộ của trẻ. Nhưng khi nhìn rộng hơn thì chắc hẳn mọi người sẽ thấy không nên quá phấn khởi trước kết quả đó bởi kiểu khen thưởng, đánh giá, xếp loại học sinh này chả khác gì hòa cả làng. 

Theo Từ điển tiếng Việt, xuất sắc là đạt được những thành tích nổi bật hơn hẳn mức bình thường. Hằng năm, ở các cơ quan, đơn vị, các ngành, khối thi đua đều họp Hội đồng thi đua, khen thưởng để bình bầu ra những cá nhân xuất sắc nhất trong một năm lao động, công tác. Thế nhưng mỗi tập thể cũng chỉ được giới hạn chọn ra một số ít cá nhân xuất sắc (thường tỷ lệ là 15%). 

Còn nhớ cách đây hai ba chục năm ở các lớp học, trường học, tỷ lệ học sinh giỏi rất thấp. Một lớp hơn 40 học sinh chỉ có 2-3 học sinh giỏi (xuất sắc toàn diện), dưới 10 học sinh tiên tiến, số còn lại không có giấy khen, phần thưởng nào cả. Ngày ấy, chuyện học sinh bị lưu ban cũng không phải là hiếm. Mỗi khối có vài ba học sinh và cả trường có thể lên tới 20-30 em bị lưu ban. Chỉ cần kết thúc năm học, học sinh không đạt yêu cầu về điểm số sẽ bị lưu ban. Thậm chí cá biệt có những học sinh phải học đi học lại 1 lớp tới 2 năm, học cho đến khi nào đạt yêu cầu về kiến thức mới thôi. Nay, khi "cả làng" đều là học sinh giỏi, nhiều phụ huynh hoang mang không biết phải lấy tiêu chí gì để đánh giá thực lực của con em mình. 

Trẻ con hay người lớn cũng vậy, được khen thưởng đúng lúc, đúng cách sẽ là một đòn bẩy thiết thực động viên họ cố gắng hơn. Nhưng ngẫm ra kiểu khen thưởng đại trà này cũng như con dao hai lưỡi. Nếu cha mẹ, thầy cô, nhà trường không khuyến khích con tiếp tục cố gắng, để bản thân và những đứa trẻ có tâm lý tự bằng lòng với chính mình, nghĩ mình hay con mình thế là xuất sắc, nổi trội rồi… thì trẻ sẽ nhanh chóng bị tụt lùi so với bạn bè. Cần giải thích cho con hiểu để con liên tục cố gắng, phấn đấu phát huy sở trường của mình. 

Chúng ta đang trải qua một “cuộc phẫu thuật” lớn, nhiều bộ phận cồng kềnh sẽ được tinh gọn lại, nhiều mắt xích không cần thiết được cắt bỏ, những “căn bệnh” trầm kha bị thanh toán… Nên chăng cũng cần thanh toán ngay “bệnh thành tích”, một “căn bệnh” đã tồn tại quá lâu trong ngành giáo dục. 

KIM THANH