Đồng hành cùng trẻ em trong thời công nghệ số
Chính trị - Ngày đăng : 07:49, 05/06/2018
Chưa bao giờ trẻ em lại có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ số như bây giờ. Một đứa trẻ mới 2-3 tuổi đã có thể tự tay sử dụng những chiếc điện thoại thông minh để bật những bộ phim hoạt hình hay clip bài hát trẻ thơ... mà chúng thích. Nhiều đứa trẻ thường được bố mẹ dỗ dành bằng điện thoại, dần dần hình thành thói quen: hễ ăn là phải dán mắt vào màn hình điện thoại... Lớn lên một chút, chỉ cần con học đến lớp 3, lớp 4 là nhiều nhà đã trang bị điện thoại cho con. Họ cho đó là cách để dễ bề quản lý con cái, nhưng thực tế, chiếc điện thoại giờ không chỉ là công cụ để nghe, gọi mà còn để lướt web, chơi trò chơi, vào các trang mạng xã hội... Chỉ cần vào internet thì có giời mà kiểm soát nổi bọn trẻ sẽ được tiếp cận những thông tin gì. Trên mạng, nhất là mạng xã hội mỗi ngày đều có rất nhiều thông tin về các vụ bạo lực, chém giết, đánh ghen, đánh hội đồng, những hình ảnh khiêu dâm, clip nhạy cảm...
Công nghệ số giúp con người kết nối với thế giới, với rất nhiều người trong xã hội nhưng lại là bức tường cản trở tình cảm trong các gia đình. Nhiều nhà tối tối mỗi người ôm một chiếc điện thoại sống với thế giới của riêng mình. Ở những nhà có nhiều phòng, mỗi thành viên đều về phòng riêng của mình và đóng cửa để sống ảo.
Qua kết bạn trên mạng xã hội, đã có những trẻ em bị dụ dỗ, lừa bán vào động quỷ hoặc bán sang bên kia biên giới. Nhiều thông tin cá nhân, hình ảnh của trẻ bị đưa lên mạng một cách tùy tiện có thể gây nguy hiểm cho các em...
Thảo luận về dự án Luật An ninh mạng hôm 29.5, câu hỏi làm gì để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Có đại biểu nhận định việc trẻ em sử dụng internet luôn là nỗi lo của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Việc để trẻ em tự do tham gia môi trường mạng, trao đổi thông tin với các đối tượng mà các em không biết, vào các trang web đen, game online với nội dung không phù hợp lứa tuổi, không có sự giám sát của gia đình, thầy cô, sẽ ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, hành động của các em. Người lớn có khả năng sử dụng nội dung phù hợp và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, còn trẻ em dù có ở ngoài đời thực hay trong môi trường mạng đều cần có sự hướng dẫn, bảo vệ của nhà trường, gia đình. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị dự án luật cần có một nội dung cụ thể về bảo vệ trẻ em trong không gian mạng.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, vấn đề bảo vệ trẻ em trước tác động của công nghệ số cũng rất được quan tâm. Trong báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới công bố, hằng ngày, cứ nửa giây lại có thêm một trẻ em lần đầu tiên đến với thế giới mạng, khai thác mọi cơ hội to lớn mà internet đem lại, song đồng thời cũng phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng. Trước đó, báo cáo của UNICEF có tên "Tình trạng trẻ em trên thế giới năm 2017: Trẻ em trong một thế giới số" cho thấy 1/3 số người sử dụng internet hiện nay là trẻ em. Nhưng cộng đồng quốc tế lại có quá ít hành động để bảo vệ các em trước những mối đe dọa của thế giới số. UNICEF đã kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em trước nạn bóc lột tình dục, hăm dọa trên mạng và lạm dụng thông tin cá nhân của trẻ.
Nhân Ngày an toàn internet (6.2.2018), Giáo hoàng Francis đã viết dòng Tweet kêu gọi: "Tất cả chúng ta cần chung tay cam kết bảo vệ trẻ em trong thế giới số"...
Trẻ em là tương lai của đất nước. Chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ các em, giúp các em tránh được những tác động vô lường của thế giới số.
KIM THANH