Nức tiếng vải thiều Thanh Hà

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 11:05, 09/06/2018

Vải thiều Thanh Hà vốn nổi tiếng thơm ngon nhất cả nước. Câu chuyện về nguồn gốc và sự phát triển của cây vải trên mảnh đất này có nhiều điều lý thú, hấp dẫn.


Cây vải tổ là một trong những điểm thu hút khách du lịch của huyện Thanh Hà trong mùa vải chín

Cội nguồn của nhiều vùng vải

Dưới hiên nhà rợp mát bóng cây, ông Hoàng Văn Lượm (cháu 5 đời của cụ Hoàng Văn Cơm, người có công đưa cây vải thiều tổ về đất Thanh Hà) ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện từ gần 200 năm trước. Đã trải qua nhiều đời nhưng câu chuyện đó vẫn được các con cháu của cụ Cơm "khắc cốt ghi tâm" như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. 

Thời trẻ, cụ Hoàng Văn Cơm thường buôn hoa quả ra Hải Phòng bán. Một lần, cụ cùng bạn bè dự tiệc với người nước ngoài, được ăn một loại quả thơm ngon nên cụ đã lấy 3 hạt mang về ươm tại vườn nhà ở thôn Thúy Lâm. Ba hạt sau đó đều nảy mầm thành cây. Lúc đó do chưa được chú ý chăm sóc nên hai cây bị chết, chỉ còn một cây sống. Cây vải ấy sau đó được đánh ra trồng ở nơi có thổ nhưỡng màu mỡ, thường xuyên được bồi đắp phù sa bởi sông Thái Bình và sông Văn Úc. Cây vải sinh trưởng tốt, hằng năm đều cho quả ngọt. Người dân trong làng thấy có loại cây mới, quả ngon nên đến xin chiết cành về trồng. Năm 1958, Bác Hồ từng khen đây là loại quả quý, ăn ngon và khuyến khích người dân nên phát triển giống vải quý này.

Trong những năm đất nước bước vào đổi mới, lãnh đạo huyện Thanh Hà khuyến khích người dân chuyển sang trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Những cánh đồng lúa chiêm trũng, năng suất thấp dần chuyển sang trồng vải đại trà. Cây vải đã trở thành cây kinh tế chủ lực của nông dân nơi đây. Sau này, nhiều người đi làm kinh tế mới ở các nơi đã chiết cành vải mang theo. Theo bước chân của những người con quê hương Thanh Hà, vải thiều đã phát triển mạnh ở các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình… Đặc biệt, một số người dân ở Thanh Hà đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mang theo giống vải Thanh Hà lên trồng, tạo nên vùng vải lớn nhất cả nước. Con cháu cụ Hoàng Văn Cơm vẫn lưu giữ một bức trướng nhân dân Lục Ngạn bày tỏ lòng biết ơn cụ Cơm đã đưa cây vải về trồng.

Đã từng có những năm người dân Thanh Hà phá bỏ cây vải hàng loạt do tiêu thụ khó khăn, cứ được mùa thì mất giá và ngược lại. Nhưng sức sống của loại cây truyền thống này vẫn luôn âm thầm, bền bỉ và có vị trí khá đặc biệt trong lòng người dân nơi đây. Những năm gần đây, với sự khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp, giao thông, tiêu thụ, giá trị kinh tế của cây vải đã được nâng lên đáng kể. Người dân Thanh Hà ngày càng chăm chút cây vải, áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Lưu giữ các giá trị quý

Vào mùa vải, nhiều đoàn khách tìm đến thăm cây vải tổ. Do được trồng ở nơi có thổ nhưỡng tốt nên đến nay cây vải tổ vẫn xanh tốt. Cuối năm 2015, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Hội Kỷ lục gia Việt Nam) công nhận cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm là “Cây vải thiều lâu năm nhất”, đạt kỷ lục Việt Nam. 

Năm nào cây vải tổ cũng đơm hoa, kết trái. Dù quả không được to mọng như ở những cây vải "hậu duệ" khác nhưng vị ngọt đậm đà của quả vải thiều tổ khiến người ăn không thể nào quên. Hương vị thơm ngon đó trong suốt gần 200 năm qua đã di truyền từ những cây vải đời này sang đời khác tạo nên nét đặc trưng cho quả vải thiều Thanh Hà. Nếm quả từ cây vải tổ trong vụ này, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt thanh đặc biệt, không lẫn một chút vị chát nào và dư vị, mùi hương vẫn còn lưu luyến mãi.

Là người trông coi, chăm sóc cây vải tổ nên ông Hoàng Văn Lượm rất vui mừng, phấn khởi khi các hạng mục nằm trong Dự án "Cải tạo, bảo tồn cây vải tổ" đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong vụ vải năm nay. Ông Lượm hồ hởi nói: "Từ khi các công trình tại khu vực cây vải tổ hoàn thiện, lượng khách tới tham quan đông hơn trước đây. Do huyện tạo điều kiện xây dựng nhà thờ, nhà khách, bãi đỗ xe... nên du khách được đón tiếp chu đáo hơn".

Đến thăm cây vải tổ chừng 30 phút, chúng tôi đã chứng kiến nhiều đoàn khách du lịch tới tham quan. Ai cũng muốn một lần được chạm vào cây vải tổ để cảm nhận sức sống mãnh liệt, bền bỉ của cây vải nguồn cội cũng như hương vị ngọt ngào đặc biệt từ quả vải. Anh Nguyễn Tùng Dương, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Nghe bạn bè kể tôi đã muốn về thăm cây vải tổ từ lâu nhưng nay mới có dịp. Đúng là kỳ diệu. Cây vải tổ gốc to, xù xì như vậy nhưng vẫn căng tràn sự sống. Vải ở đây ăn có hương vị đậm đà, mát, thơm chứ không chát như những loại vải khác mà tôi đã mua ở Hà Nội. Nhân dịp này tôi cũng sẽ mua một ít về làm quà cho gia đình và họ hàng ở đảo Phú Quốc".

PV