Vải thiều Hải Dương ở Australia

Kinh tế - Ngày đăng : 12:08, 09/06/2018

Quả vải Hải Dương được cấp "visa" xuất khẩu sang Australia đã được 3 năm và hiện vẫn đang tiếp tục hành trình chinh phục thị trường lớn này.


Công nhân Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ sơ chế vải xuất khẩu sang Australia

Chinh phục thị trường khó tính

Australia là nước có nhu cầu nhập khẩu hoa quả lớn. Những năm qua, Hải Dương đã nắm bắt được lợi thế đó để đưa quả vải chiếm lĩnh thị trường này. Theo thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Australia, mỗi năm Australia tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải. Hiện nay ở đây đã có vải Thái Lan, Trung Quốc nhưng theo đánh giá của người tiêu dùng Australia, vải của hai nước này có vị chát và không có hương thơm đặc biệt như vải của Việt Nam, nhất là vải Thanh Hà. 

Năm 2015, Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Rồng Đỏ đã xuất khẩu những lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên sang Australia. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực đưa quả vải Hải Dương thâm nhập thị trường này. Bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông lâm thủy sản Thanh Hà cho biết: "Vải Hải Dương đã từng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ thì không khó xuất sang Australia. Tỉnh quan tâm phát triển các vùng vải đạt chuẩn xuất khẩu là một điều kiện thuận lợi để quả vải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Australia”.

Australia là nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, quả vải đã được các kiều bào đón nhận tích cực. Anh Phạm Văn Hưng ở tiểu bang Queensland kể: "Để có được những quả vải mang đậm hương vị quê nhà, tôi phải cất công đi vài trăm cây số đến chợ Little Sài Gòn ở bang Footscray. Vải Việt Nam khác hẳn vải Trung Quốc tôi đã từng ăn. Quả vải Việt có vị ngọt thanh nhẹ, hương thơm quyến luyến nơi đầu lưỡi. Mùa vải năm nào tôi cũng háo hức tìm mua bằng được những quả vải của Việt Nam, nhất là vải Thanh Hà để đem tặng những người bạn và hàng xóm thân thiết". 

Theo anh Hưng, không chỉ cộng đồng người Việt ở Australia luôn ủng hộ và dành tình cảm đặc biệt đối với quả vải quê nhà mà với người dân bản địa, loại quả này đã thực sự trở thành đặc sản quý. Anh Hưng cho rằng cơ hội để vải Thanh Hà tiêu thụ ở Australia rất lớn, cần được quan tâm khai thác tốt hơn. 

Việc tiếp cận được thị trường Australia đã góp phần giúp quả vải Hải Dương khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị. Vụ vải thiều năm2017, vải Hải Dương ở Australia được bán với giá cao gấp 8 lần so với trong nước, khoảng 400.000 đồng/kg. Vụ vải năm 2018, nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty Xuất khẩu nông lâm sản Thanh Hà... đã cam kết thu mua vải thiều để xuất sang thị trường này. Ngoài quả vải tươi, một số doanh nghiệp đã nghiên cứu chế biến để xuất khẩu, nhằm đa dạng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. 

Thời gian qua, cơ quan thương vụ của Việt Nam tại Australia tăng cường tiếp xúc, kết nối giao thương với các đầu mối nhập khẩu trái cây ở các tiểu bang New South Wales, Victoria, giúp tiêu thụ vải tươi cho nông dân Việt Nam. Đồng thời, thương vụ cũng thông tin chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch cho các doanh nghiệp trong nước nắm được để vượt qua các rào cản do phía Australia đặt ra. 

Nâng cao chất lượng

Mặc dù quả vải Hải Dương đã đến được với người tiêu dùng Australia nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, đại diện thương mại Việt Nam tại Australia cho rằng cần có sự hướng dẫn, phối hợp, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, sự vào cuộc cũng như trợ giúp, tư vấn về thị trường, kỹ thuật của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn. Quan trọng hơn là sự liên thông, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với các hộ trồng vải. Quả vải Hải Dương phải đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của Bộ Nông nghiệp Australia về cơ sở trồng vải, quản lý dịch hại, đóng gói, bao bì nhãn mác, chiếu xạ và kiểm dịch thực vật.

Một trong những thách thức của quả vải Việt Nam nói chung, vải thiều Hải Dương nói riêng tại thị trường Australia là phải cạnh tranh với vải Thái Lan, Trung Quốc. Tuy chất lượng vải không bằng vải Việt Nam nhưng các nước này lại có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Để giành được điểm cộng từ người tiêu dùng Australia, quả vải Hải Dương cần được trồng theo mô hình khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến từ sản xuất đến bảo quản sơ chế.

Theo ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Rồng Đỏ, rủi ro khi xuất khẩu quả vải Hải Dương sẽ giảm bớt nếu quy trình sản xuất được nông dân áp dụng đúng, chính sách hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật cho người trồng vải được tăng cường. Cùng với đó, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải Hải Dương tại  Australia.

PV