Ứng xử trong gia đình: Đừng xem nhẹ
Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 10/06/2018
Con trẻ cần được người lớn giáo dục văn hóa ứng xử cũng như giữ gìn nền nếp gia đình từ những việc nhỏ nhất
Tưởng dễ hóa khó
Những quan hệ trong gia đình như bố mẹ - con cái, vợ - chồng, ông, bà - cháu, anh - chị - em... đều là những mối quan hệ rất gần gũi, gắn bó. Tuy nhiên, không phải ai cũng để ý tới cách giao tiếp trong các mối quan hệ gần gũi này. Vì thế, mặc dù cùng ăn, cùng ở nhưng nhiều gia đình không thật sự gắn bó, không thể chia sẻ cùng nhau, nhất là trong thời buổi con người luôn bận rộn với công việc và các mối quan hệ xã hội. Càng ngày, các thành viên gia đình càng có xu hướng ít dành thời gian cho nhau hơn trước. Những cuộc trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình cũng chỉ thoáng qua.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tú ở đường Ngọc Tuyền (TP Hải Dương) ở cùng với bố mẹ. Vợ chồng anh đều là công nhân, thường xuyên tăng ca, nên ít có thời gian trò chuyện cùng bố mẹ. Cả nhà có bữa cơm thì cũng phải chia thành 2 lần ăn, vì vợ chồng anh thường xuyên về muộn, bố mẹ anh ăn trước để phần các con về ăn sau. Cứ thế nên cả tuần số lần cả nhà trò chuyện, chia sẻ cùng nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lại thêm vợ anh Tú cũng là người ít nói chuyện, nên quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng không mấy gắn bó. "Công việc bận rộn, mình cứ bị cuốn theo thành ra không dành nhiều thời gian cho gia đình. Chính tôi và bố tôi cũng không hay nói chuyện, nên nhiều lúc chỉ vừa nói được vài ba câu là lại to tiếng, vì thực sự mình cũng không hiểu bố và bố cũng không hiểu mình", anh Tú thẳng thắn thừa nhận. Không chỉ riêng mình anh Tú, mà có rất nhiều người trẻ khó có thể mở lòng, chia sẻ với chính những người thân trong gia đình.
Tôi có lần được chứng kiến một cô bé 13 tuổi, dù kết quả học tập tốt, nhưng phần ứng xử, phép tắc trong gia đình lại rất kém. Tôi là một trong những vị khách được bố mẹ cháu mời tới ăn bữa cơm tại nhà. Khi tất cả mọi người đã ngồi vào mâm ổn định, thì cháu bắt đầu mới từ phòng riêng đi xuống. Sau khi chào hỏi mọi người qua loa, cháu ngồi cạnh mẹ cùng mâm với tôi. Cả một mâm cơm rất ngon với nhiều món đặc sản, mẹ cháu phải mất cả chiều để chuẩn bị, nhưng cháu chỉ buông một câu "không có gì để ăn cả". Theo như lời giải thích của mẹ cháu thì cháu không thích ăn những món này, vậy là mẹ cháu lại đứng dậy làm món cơm rang cho cháu. Mọi tật xấu của cô bé này bắt đầu bộc lộ khi dùng bữa cùng mọi người. Cháu không có thói quen mời người lớn trước khi ăn. Khi ăn thì dùng đũa xới tung cả đĩa thức ăn để tìm miếng mình thích, vừa ăn vừa xem ti vi, miệng nhai nhồm nhoàm và cháu cũng không để ý tới mọi người xung quanh. Cách cháu nói chuyện với mẹ cũng rất khó nghe. Trong khi mẹ nói như cưng nựng, nịnh nọt con, còn con gái thì luôn trả lời trống không và tỏ rõ thái độ không vui vẻ.
Người lớn cần làm gương
Nếu như thời trước, người xưa rất coi trọng việc giáo dục nghi lễ, cách ứng xử của trẻ con với người lớn, thì bây giờ nhiều gia đình lại coi là việc nhỏ nên xem nhẹ. Thậm chí, nhiều người chưa quan tâm giáo dục con cái. Chỉ đơn giản là việc giao tiếp, ứng xử với mọi người trong bữa ăn hằng ngày, nhiều gia đình cũng không mấy để ý dạy dỗ con trẻ. Những quy tắc bất thành văn trong bữa cơm như trước khi ăn phải mời người lớn theo thứ tự; không gõ bát; khi ăn cơm không chóp chép, không bới đồ ăn... đã bị người lớn bỏ qua, chưa dạy dỗ trẻ nhỏ. Đây chỉ là những phép tắc cơ bản nhất, nhưng chính qua hành động nhỏ này sẽ đánh giá đứa trẻ ấy lớn lên trong gia đình có nền nếp, gia phong hay không.
Theo chị Lê Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội Phụ nữ tỉnh), cuộc sống hiện đại làm cho văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình ít nhiều thay đổi phù hợp với cuộc sống, nhưng những khuôn phép phù hợp trong mỗi gia đình thì không thể thiếu. Cuộc sống bận rộn, các thành viên trong gia đình không còn nhiều thời gian để dành cho nhau. Mọi người đều mải mê với công việc riêng mà ít dành thời gian chăm chút cho gia đình của mình. Vì thế đã tác động xấu tới việc hình thành lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình của các thành viên.
Để con cái hiểu đúng nền nếp, gia phong và có thái độ ứng xử đúng đắn với các thành viên trong gia đình, chị Thúy cho rằng trước hết bố mẹ, người lớn trong gia đình phải làm gương. Bố mẹ cần phải giữ chuẩn mực trong ứng xử với mọi người trong gia đình, dành nhiều thời gian cho các con. Môi trường gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tính cách mai sau của trẻ. Trẻ em thường có xu hướng bắt chước người lớn trong mọi việc, kể cả những hành vi ứng xử đối với mọi người trong gia đình... Vì thế, người lớn càng cần phải gương mẫu để cho con trẻ học theo những đức tính tốt. Mỗi thành viên cần dành thời gian cho gia đình; biết lắng nghe, chia sẻ, bao dung với mọi người, không áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên mọi người. Người lớn cần được tôn trọng, thì trẻ con cũng mong muốn được mọi người tôn trọng. Trong mọi chuyện cần đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để có cái nhìn thấu đáo. Khi con trẻ mắc lỗi, thay vì dùng roi vọt, bố mẹ cần bình tĩnh phân tích cho con hiểu rõ vấn đề, giải quyết vấn đề một cách đúng mực.
THANH HOA