Nguyên mẫu truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan ở Kinh Môn
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:05, 10/06/2018
Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng dạy học tại một trường ở thị trấn Kinh Môn, khoảng những năm 30. Ngày nay, tra trên tiểu sử nhà văn, có thể xác định rõ khoảng thời gian này. Trường học ở khu vực sau này gọi là Đèo Ngựa, hoang vắng chỉ thả ngựa, hiện nay là một dãy phố đông đúc.
Gia đình tôi còn lưu truyền nhiều câu chuyện về nhà văn Nguyễn Công Hoan. Xét về phả hệ, bố tôi phải gọi ông Hoan bằng cậu. Gia đình tôi sinh sống ở phố huyện Kinh Môn từ trước những năm 20.
Trong tự truyện của mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan có kể lại một vài chuyện trong thời gian ông ở huyện Kinh Môn, dạy học và viết những truyện ngắn châm biếm, hoặc chuyện ông sang Đông Triều bầu cử hội đồng hàng tỉnh...
Có một truyện ông Hoan viết kể lại đúng như thật những sự việc xảy ra ở huyện Kinh Môn. Đó là truyện "Tinh thần thể dục". Huyện Kinh Môn có một sân bãi cho thi đấu thể thao, là "sân vận động" đầu tiên có lẽ của cả tỉnh trừ khu vực thị xã. Đó là một bãi cỏ, được san lấp phẳng, cho cỏ mọc xanh tốt, xung quanh trống trải, làm thành đường bao quanh ngay ngắn. Bãi trống ngay cạnh đường đi liên huyện, sát với trung tâm. Người Kinh Môn gọi sân đó là Bàn Quần. Có lẽ thường xuyên để các quan đánh quần vợt. Năm đó, huyện tổ chức cuộc thi đấu thể thao tại Bàn Quần và cảnh tượng bắt người đi xem đúng hệt như nhà văn Nguyễn Công Hoan mô tả.
Bố tôi là người cùng thế hệ ông Hoan. Dĩ nhiên sau đó thì ông cũng đọc truyện "Tinh thần thể dục" và bố tôi còn kể chuyện bắt người đi xem xảy ra ở làng Lưu Hạ, Lưu Thượng, là 2 làng gần phố huyện nhất. Lưu Hạ nay thuộc thị trấn Kinh Môn, Lưu Thượng là xã Hiệp An bây giờ. Duy chỉ có tình tiết này bố tôi "đính chính": "Tri huyện Kinh Môn hoàn toàn khác hẳn với Tri huyện Lê Thăng mà ông Hoan tả. Ông Hoan chơi thân với tri huyện Kinh Môn, ông này gầy, cao, ông Hoan tả béo, thấp, đại khái ông ấy tả ông khác".
Nếu ai theo dõi phong trào thể thao những năm trước 1975, thì biết Kinh Môn có phong trào rất mạnh, có đội bóng đá thi đấu với các đội hạng B, hạng A. Sân Bàn Quần thường tổ chức mời các đội hạng A về bán vé thi đấu. Do sân ở đồng không, xung quanh không giáp dân cư, nên bốn phía chăng dây, cử một hai bảo vệ xua người. Bọn học sinh thường chui qua luống khoai trốn vé vào xem...
Sau năm 1975, huyện Kinh Môn bắt đầu xẻ đất Bàn Quần xây các công trình, hiện phần lớn đất Bàn Quần là khu vực Trường THCS thị trấn Kinh Môn. Nếu như chính quyền huyện có một tấm bảng ở khu vực sân trường, ghi rõ nơi đây nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng lấy làm nguyên mẫu viết truyện "Tinh thần thể dục" trong thời gian nhà văn dạy học ở Đèo Ngựa thì rất có tác dụng giáo dục lịch sử văn hóa cho học sinh. Hoặc có thể kết hợp đầu tư làm một khu lưu niệm về nhà văn Nguyễn Công Hoan và các lãnh tụ cách mạng tại Kinh Môn. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng là cậu của các nhà cách mạng Tô Hiệu, Tô Chấn, Tô Đẩu và là anh trai ông Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Những nhà cách mạng này đã nhiều lần về phố huyện Kinh Môn hoạt động.
Kinh Môn có nhiều thắng cảnh, có thể hình thành tour du lịch văn hóa: An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương và tham quan di tích về Nguyễn Công Hoan, Tô Hiệu thì thật là một tour hoàn chỉnh.
NGUYỄN XUÂN HƯNG
---------------
(*) Nguyễn Xuân Hưng, sinh năm 1959, hiện là Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quê Kinh Môn, Hải Dương)