Những sáng kiến của bộ đội

Chính trị - Ngày đăng : 09:04, 15/06/2018

Các sáng kiến, cải tiến đều có khả năng ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí đầu tư, công sức, cần được nhân rộng.


Sáng kiến “Tủ giữ thức ăn cho bộ đội mùa đông, sấy bát, đũa mùa nồm, đựng bát đũa mùa hè”  được ứng dụng tại nhiều đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh

Tham gia phong trào thi đua nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình trang thiết bị ngành hậu cần (TTBHC) quân đội, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, cho ra đời nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng công việc.

Tại hội thi sáng kiến cải tiến mô hình do Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức lần đầu tiên vào cuối tháng 4 vừa qua, mô hình “Bếp Hoàng Cầm phục vụ huấn luyện" được ban tổ chức hội thi trao giải A đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bếp được cải tiến bằng vật liệu xốp, dễ bảo quản, gọn nhẹ, tiện mang theo trong quá trình huấn luyện. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, trợ lý quân nhu Trường Quân sự tỉnh, tác giả của mô hình trên cho biết: "Kết cấu của bếp không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng rất hữu ích khi bộ đội dùng để nấu ăn trong điều kiện dã ngoại, huấn luyện, nhất là khi gặp thời tiết xấu. Hiện nay, bếp đã được đưa vào chương trình huấn luyện hằng năm cho cán bộ, nhân viên,  học viên trong nhà trường".  

Nhằm bảo đảm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đi học tập, công tác về muộn (sau giờ ăn cơm theo quy định) vẫn có thức ăn nóng và sấy khô bát, đũa vào mùa nồm ẩm, thượng tá Nguyễn Thành Đông, Chính trị viên Ban CHQS  huyện Bình Giang đã có sáng kiến “Tủ giữ thức ăn cho bộ đội mùa đông, sấy bát, đũa mùa nồm, đựng bát đũa mùa hè”. Đó là tủ kính có các tấm đan bằng thép inox chứa được 45 đĩa thức ăn chia theo định suất. Trong tủ có 2 bóng đèn hâm nóng thức ăn, mỗi bóng công suất 300w; quạt phân phối khí nóng trong tủ, 7 m dây điện, 1 phích cắm điện, hộp công tắc quạt và 2công tắc đèn có điều chỉnh to, nhỏ. Thiết bị đơn giản, dễ sử dụng, chi phí thấp nhưng tính ứng dụng cao và có ý nghĩa lớn trong việc bảo quản thức ăn, giữ vệ sinh dụng cụ bếp ăn cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nhờ vậy, sáng kiến này được ban tổ chức hội thi đánh giá cao và đã được ứng dụng tại nhiều đơn vị trong LLVT tỉnh.

Sau những lần tham gia huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu, khắc phục sự cố sập hầm, mỏ đá…, đồng chí Đỗ Văn Hiền, Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật, Ban CHQS huyện Kinh Môn nhận thấy việc đưa những chiếc xe có trọng tải lớn vào khu vực có địa hình đồi núi, đồng ruộng rất khó khăn. Năm 2017, anh đã nghiên cứu mô hình “Xe vận chuyển đa năng”. Cấu tạo của xe gồm 3 bộ phận chính: tay lái có 2 tay làm bằng ống sắt dài 20 cm; thân xe được thiết kế dài 1,6 m, chia làm 4 đoạn; bộ phận chuyển động gồm bánh lăn, 2 càng xe, giá đỡ liên kết với thân xe, 2 chân chống, tác dụng chuyển động, chuyển hướng, giữ thăng bằng tĩnh. Thân xe có thể tháo rời khỏi bộ phận chuyển động và tay lái hoặc có thể gấp thu gọn. Xe dùng để vận chuyển người (thương binh, bệnh binh), hàng hóa, vật phẩm, vũ khí, đạn dược… Xe có cấu tạo nhỏ gọn, dễ điều khiển nên có thể sử dụng trên nhiều loại địa hình, nhất là đồi núi. Đặc biệt, xe có thể thay đổi cấu hình nên dễ dàng phục vụ cho các nhiệm vụ, đối tượng khác nhau.

Đó là những mô hình tiêu biểu trong phong trào sáng kiến, cải tiến mô hình TTBHC được LLVT tỉnh triển khai thực hiện nhiều năm nay. Từ phong trào này, nhiều sáng kiến được cán bộ, chiến sĩ dày công nghiên cứu, có tính ứng dụng cao được áp dụng vào thực tiễn góp phần giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm thời gian, công sức. Tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình TTBHC năm 2018. Đồng chí Nguyễn Tất Thắng, trợ lý hậu cần, Trường Quân sự tỉnh cho biết: "Hội thi là dịp để chúng tôi củng cố thêm kiến thức, trao đổi, học hỏi các mô hình, sáng kiến. Đây cũng là động lực để phong trào tiếp tục được triển khai nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng công việc, bảo đảm hậu cần và công tác huấn luyện hậu cần".

Theo thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ nhiệm hậu cần, Bộ CHQS tỉnh, hiệu quả lớn nhất của phong trào là phát huy được trí tuệ, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong toàn lực lượng. Nhiều đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu, học hỏi, đầu tư kinh phí, trang thiết bị để xây dựng sáng kiến, cải tiến mô hình. Điểm nhấn của phong trào là hội thi đã có 26sáng kiến, cải tiến của các đơn vị trực thuộc gồm: 4 mô hình, 1ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện; 15 sáng kiến, cải tiến ngành quân nhu; 1 sáng kiến, cải tiến ngành doanh trại; 2sáng kiến, cải tiến ngành quân y và 3sáng kiến, cải tiến ngành vận tải. "Các sáng kiến, cải tiến đều có khả năng ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí đầu tư, công sức, cần được nhân rộng, triển khai áp dụng cho các đơn vị trong LLVT tỉnh", đồng chí Nguyễn Xuân Trường khẳng định.

TRƯƠNG HÀ