Xã hội hóa hoạt động bảo tàng

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:02, 16/06/2018

Những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã chủ động khai thác mọi nguồn lực để thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ.

Máy bay chiến đấu MIG-21 được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để người dân tham quan

Liên kết tổ chức sự kiện

Nếu tự mình tổ chức các sự kiện thì sẽ phải đầu tư nhiều kinh phí, hiệu quả không thật sự cao nên Bảo tàng tỉnh đã liên kết với các đơn vị, địa phương trong cả nước để phối hợp tổ chức nhiều triển lãm, trưng bày chuyên đề, hội thảo có giá trị, thu hút đông đảo khách tham quan.

Năm 1998, lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày chuyên đề “Tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống”, là hai dòng tranh tiêu biểu cho nền nghệ thuật thời kỳ cận, hiện đại của Việt Nam. Chỉ trong nửa tháng, Bảo tàng tỉnh đã thu hút được hàng nghìn lượt khách tham quan, học tập. Sau đó, nhiều hoạt động phối hợp tương tự đã được tổ chức. Tiêu biểu như năm 2012, Bảo tàng phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội trưng bày chuyên đề “Văn miếu Quốc Tử Giám và di tích Nho học Hải Dương”. Chuyên đề này đã thu hút được sự quan tâm của ngành giáo dục và đào tạo. Các trường học tại TP Hải Dương và các dòng họ đã chủ động đăng ký đưa, đón học sinh và con cháu đến tham quan, học tập.

Không chỉ liên kết tổ chức triển lãm, trưng bày trong tỉnh, Bảo tàng tỉnh còn đưa hiện vật đi trưng bày tại các tỉnh bạn. Năm 2000, đơn vị phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh Thái Nguyên trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu” tạo ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2013, hoạt động xã hội hóa của Bảo tàng tỉnh được đẩy mạnh thêm một bước. Đó là phối hợp với Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) nghiên cứu, trao đổi 100 hiện vật gốm Chu Đậu lấy 100 hiện vật gốm Phùng Nguyên; phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Gốm Chu Đậu và con đường tơ lụa trên biển”; phối hợp với Bảo tàng Hải quân tổ chức trưng bày chuyên đề “Biển đảo và người chiến sĩ Hải quân; Hải Dương với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo”... Thông qua các hoạt động liên kết, Bảo tàng tỉnh đã thu hút ngày càng đông khách tham quan. 

Vận động hiến tặng tài liệu

Sau khi nghiên cứu thực địa, đầu năm 2001, Bảo tàng tỉnh đã vận động một gia đình người Nhật Bản tài trợ kinh phí mua 2 mảnh đất rộng 360 m2 tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) và 324 m2 tại thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) để phục vụ công tác nghiên cứu khảo cổ. Hoạt động xã hội hóa này là sự đột phá trong quy hoạch khảo cổ học đầu tiên trong cả nước.

Từ năm 2004-2010, Bảo tàng tỉnh được UBND tỉnh giao quản lý di tích Văn miếu Mao Điền. Trong thời gian này, Bảo tàng đã vận động các tổ chức, cá nhân tự nguyện công đức phục dựng nhà Khải Thánh, miếu Thổ Cờ và 2 tấm bia đề danh tiến sĩ Nho học trấn Hải Dương (1075-1919).

Cuối năm 2014, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Hà Nội) tổ chức khai quật khảo cổ tại di tích gốm Chu Đậu (Nam Sách). Đây là đợt nghiên cứu khảo cổ toàn diện và sâu sắc về di tích gốm Chu Đậu. Kết quả đã thu về hàng nghìn hiện vật có giá trị.

Thông qua việc tổ chức các hội thảo, triển lãm, trưng bày, Bảo tàng tỉnh đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân hiến tặng các hiện vật có giá trị. Năm 2015, nhân dịp đón Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận trống đồng Hữu Chung (Tứ Kỳ) là bảo vật quốc gia, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Câu lạc bộ Cổ vật Thành Đông (Hải Dương) trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Đông Sơn trên đất Hải Dương và sưu tập cổ vật tư nhân tiêu biểu”. Kết thúc đợt trưng bày, Bảo tàng đã tiếp nhận hàng trăm cổ vật có giá trị lịch sử phục vụ nghiên cứu lâu dài. Năm 2017, Bảo tàng tỉnh tiếp tục phối hợp với một số nhà sưu tập cổ vật trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, các địa phương để trưng bày các chuyên đề. Thông qua đó, bảo tàng đã tiếp nhận 6 sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp của Công ty CP Gốm Chu Đậu hiến tặng, trị giá 160 triệu đồng. Đây là sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu gốm cổ Chu Đậu trục vớt tại biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) năm 2000. 

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các địa phương tiến hành tu bổ, tôn tạo và lập hồ sơ xếp hạng hàng trăm di tích lịch sử bằng công tác xã hội hóa, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trải qua 20 năm (1998 - 2018), kiên trì thực hiện công tác xã hội hóa Bảo tàng tỉnh đã khai thác được nhiều nguồn lực xã hội để bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa quý báu. Bảo tàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này với nhiều hoạt động mới trong thời gian tới.

AN VĂN MẬU
Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Dương