Quan tâm toàn diện phát triển giáo dục
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 16:08, 16/06/2018
Cử tri Đinh Thị Nguyệt, giáo viên Trường Mầm non Phương Hưng (Gia Lộc) cho rằng mầm non là bậc học đặc biệt nên cần có sự quan tâm tương xứng
Các đồng chí: Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan và 150 cán bộ, nhà giáo đại diện cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh dự.
Hội nghị có 13 ý kiến, kiến nghị đề cập đến nhiều vấn đề đang được các nhà giáo và xã hội quan tâm; đưa ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế để nâng cao chất lượng giáo dục.
Bậc mầm non gặp nhiều khó khăn
Nhiều cử tri có chung ý kiến mầm non là bậc học đang gặp khó khăn nhất trong số các bậc học. Đặc biệt là do chỉ tiêu biên chế của tỉnh giao thấp nên không đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục.
Cử tri Đinh Thị Nguyệt, giáo viên Trường Mầm non Phương Hưng (Gia Lộc) nêu ý kiến mầm non là bậc học đặc biệt nên cần có sự quan tâm tương xứng. Các cháu đều còn rất nhỏ nên công việc chủ yếu của giáo viên là chăm sóc. Nếu số giáo viên trên lớp giao như hiện nay thì có trường chỉ bố trí được 2giáo viên/lớp, có trường chỉ 1 giáo viên/lớp. Vậy khi có cháu đi vệ sinh, hay cần chăm sóc ai sẽ làm người quản lý các cháu còn lại?
Cử tri Vũ Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Đồng (TP Hải Dương) cho biết việc tỉnh giao biên chế bậc mầm non thấp như hiện nay không phù hợp với tình hình thực tế khi số trẻ ngày càng tăng (cả về tự nhiên lẫn cơ học) và quy định của Thông tư liên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - Nội vụ (đối với nhóm nhà trẻ bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, đối với nhóm mẫu giáo học 2 buổi/ngày bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp). Các nhà trường cần thêm giáo viên. Bà Oanh đề nghị tỉnh cần nâng định mức lên 2 giáo viên/lớp.
Nhiều cử tri nêu tình trạng bậc học mầm non còn nhiều trường chật chội, sân chơi, bãi tập, đồ dùng ít, khu vệ sinh bẩn, không khép kín. Hiện hầu hết các lớp đều vượt số trẻ theo quy định. Cử tri Nguyễn Thị Thắm, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Ninh Giang kiến nghị tuy làm việc chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập, chế độ, chính sách của giáo viên mầm non còn thấp, chưa tương xứng với sức lao động.
Trong phần giải đáp ý kiến, kiến nghị của cử tri về định mức giáo viên của bậc học mầm non, Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ cho biết thời gian tới sở sẽ tham mưu với tỉnh để điều chỉnh định mức lên 2 giáo viên/lớp.
Giáo viên hợp đồng thiệt thòi
Điều kiện làm việc và đời sống của giáo viên hợp đồng (GVHĐ), nhất là GVHĐ dôi dư cũng là nội dung được nhiều cử tri quan tâm. Theo các cử tri, hiện nay hầu hết GVHĐ được ký theo thời gian năm học chứ không theo niên khóa tài chính nên nghỉ hè không có lương.
Theo cử tri Hoàng Chí Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương), hiện trường có 3 GVHĐ vượt định mức, mỗi kỳ nghỉ hè GVHĐ rất vất vả tìm việc làm để có tiền chi tiêu.
Việc giao tự chủ kinh phí cho các trường THCS chất lượng cao cần được cân nhắc kỹ
Các cử tri Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó Trưởng Phòng GDĐT thị xã Chí Linh, Nguyễn Thị Thắm, Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Ninh Giang có chung nhận xét GVHĐ khối lượng công việc, cường độ lao động, sức đóng góp bằng, thậm chí còn cao hơn giáo viên trong biên chế, nhưng họ chịu rất nhiều thiệt thòi, đời sống không bảo đảm, không yên tâm công tác và cống hiến. Do đó, thời gian qua nhiều GVHĐ có chất lượng đã bỏ nghề đi tìm việc khác.
Hiện nay, giáo viên dạy tiếng Anh, tin học, âm nhạc bậc tiểu học rất băn khoăn là dù đã được đưa vào chương trình dạy nhiều năm nay nhưng họ chưa có vị trí việc làm dẫn đến công việc bấp bênh. Các cử tri đề nghị tỉnh cần tiếp tục tổ chức xét tuyển đặc cách hoặc thi tuyển và có chế độ, chính sách hợp lý để đội ngũ GVHĐ yên tâm công tác.
Trao đổi về những nội dung trên, Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở GDĐT Vũ Văn Lương cho biết những năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt xét đặc cách, thi tuyển vào biên chế cho hơn 9.000 GVHĐ. Thời gian tới, sau khi hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, sáp nhập trường, tỉnh sẽ cân nhắc tổ chức việc thi tuyển đối với những GVHĐ trong định mức được giao vào thời gian hợp lý.
Bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh
Tại hội nghị, nhiều cử tri đồng thuận với việc sáp nhập trường và tinh giản biên chế. Tuy nhiên, nhiều cử tri còn băn khoăn nếu sáp nhập 2 trường cùng cấp ở 2 địa phương khác nhau hay trường THPT với THCS; THCS với tiểu học do đặc điểm của mỗi địa phương, bậc học khác nhau, nếu quản lý, điều hành không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cùng với đó là việc chuyển một số trường THPT công lập sang tư thục hay giao tự chủ cho các trường THCS chất lượng cao của các huyện, thị xã, thành phố sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, chất lượng giáo dục.
Ông Phạm Văn Tỏ khẳng định việc tinh giản biên chế, sáp nhập trường là cần thiết. Các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị để cán bộ, giáo viên, người lao động hiểu và thực hiện. Thời gian tới, sau khi hoàn thành phương án rà soát, sắp xếp đội ngũ và sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn theo quy định, tỉnh sẽ có chỉ đạo cụ thể đối với việc ký hợp đồng lao động đối với giáo viên và sáp nhập trường.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao việc các cử tri đã nêu được nhiều vấn đề đáng quan tâm và giải pháp phát triển ngành giáo dục. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp thu toàn bộ ý kiến và đề nghị các cơ quan chức năng trả lời; những vấn đề quan trọng sẽ trình trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
DANH TRUNG