Đạo đức nhà báo trong thời đại 4.0

Chính trị - Ngày đăng : 10:08, 21/06/2018

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến các cơ quan báo chí, các nhà báo trong phạm vi toàn cầu.


Ngày 15.6, Chi hội Nhà báo Báo Hải Dương tổ chức tọa đàm về "Đạo đức nhà báo trong thời đại 4.0". Ảnh: Mai Anh

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí. Nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã sử dụng trí tuệ nhân tạo thay cho phóng viên viết tin tức. Cùng với đó, sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, mạng xã hội... càng đòi hỏi mỗi nhà báo phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp.

“Cuộc chơi” mới

Chưa bao giờ cụm từ "cách mạng công nghiệp 4.0" lại xuất hiện trên báo nhiều như thời gian qua. Vậy cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, nó đã và đang tác động đến hoạt động báo chí ra sao là vấn đề mà hầu hết các nhà báo, các cơ quan báo chí đang hết sức quan tâm. Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể hiểu một cách đơn giản là một môi trường hoàn toàn mới mà máy tính, tự động hóa và con người sẽ cùng nhau làm việc. Rô bốt hay máy móc nói chung được kết nối với hệ thống máy tính qua internet. Qua các cảm biến, hệ thống sử dụng thuật toán để điều khiển máy móc, nó cần rất ít hoặc thậm chí không cần sự can thiệp nào của con người trong quá trình sản xuất. Vì vậy, nhiều người vẫn gọi cách mạng công nghiệp 4.0 là một "nhà máy thông minh".

Hoạt động báo chí luôn chịu sự tác động mạnh mẽ của các cuộc cách mạng công nghiệp, được các cuộc cách mạng công nghiệp hỗ trợ để phát triển, vươn lên. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này cũng đã và đang tác động mạnh mẽ đến các cơ quan báo chí, các nhà báo trong phạm vi toàn cầu. Lần đầu tiên, ngày 17.3.2014, Thời báo Los Angeles đăng tin ngắn khoảng 100 chữ do máy tính tự động viết về một trận động đất dựa trên số liệu của Viện Địa lý Hoa Kỳ và các thuật toán do phóng viên kiêm lập trình viên soạn thảo. Tin ngắn này được lịch sử báo chí thế giới ghi nhận là sản phẩm báo chí 4.0 đầu tiên.

Từ sau sự kiện đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết báo đã được nhiều tờ báo ở Mỹ, Anh, Trung Quốc... áp dụng. Các khóa học báo chí 4.0 được mở tại các tập đoàn báo chí và các trường đào tạo báo chí trên thế giới. Báo chí rô bốt, báo chí kết hợp giữa phóng viên và máy, phần mềm viết báo, báo chí tự động hóa là những tên gọi khác nhau của làn sóng áp dụng công nghệ trong cuộc chạy đua tới nền báo chí 4.0. Trong tương lai, khi tất cả các loại máy móc kết nối với nhau trên nền tảng internet, nghề báo không thể đứng ngoài cuộc chơi số 4.0. Vì thế, hơn bao giờ hết, phóng viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, chủ động, sáng tạo và đổi mới mỗi ngày nếu không muốn nhanh chóng bị đào thải khỏi “cuộc chơi”.

Giữ "gốc" của nghề

Tháng 5.2018, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên tổ chức hội thảo với chủ đề "Rèn luyện đạo đức và kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0". Tại hội thảo đã có rất nhiều ý kiến khẳng định cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến báo chí trong nước. Tuy nhiên, đa số các nhà báo đều khẳng định dù công nghệ có phát triển đến đâu thì vấn đề quan trọng nhất, quyết định nhất vẫn là cái "gốc" tức con người và đạo đức của nhà báo. 

Chúng ta không nên chỉ nói nhiều đến công nghệ mà quên đi nền tảng cốt lõi của báo chí là những điều Bác Hồ đã từng căn dặn: "Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì?"... Hiện nay, do tác động của mạng xã hội, công nghệ số với rất nhiều thông tin nhiễu loạn, khó kiểm chứng, cùng với đó là tác động mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều tờ báo, nhà báo chỉ quan tâm đến những vấn đề tiêu cực, mặt trái mà ít quan tâm đến vấn đề tích cực dẫn đến bệnh "lệch thị". 

Không ít nhà báo vì phải đáp ứng tiêu chí nhanh để cạnh tranh với các tờ báo khác nên đã "xào xáo thông tin", lấy thông tin trên mạng xã hội chưa qua kiểm chứng để đăng tải dẫn đến thông tin sai lệch, thiếu chính xác gây hậu quả khó lường. Những vụ việc báo chí đưa thông tin không chính xác như nước mắm nhiễm asen, cà phê trộn pin con ó… hoặc thông tin chưa có kết luận chính xác đã làm cho nhiều nhà báo, cơ quan báo chí bị xử lý là hết sức đáng tiếc. Hay gần đây, khi mạng xã hội xuất hiện clip "người nông dân đổ vải thiều xuống sông", một số báo chưa kiểm chứng đã viết ngay những bài về "vải thiều được mùa mất giá", dễ dẫn đến tư thương ép giá, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ vải thiều của nông dân. Đã có không ít nhà báo bị rút thẻ, thậm chí phải ngồi tù vì không giữ vững phẩm chất đạo đức người làm báo cũng là những vụ việc hết sức đau lòng trong làng báo.

Có thể khẳng định dù ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến đâu thì mỗi nhà báo lúc nào cũng cần phải không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng làm báo và cao hơn hết là thực hiện tốt 10 điều quy định chuẩn mực đạo đức của người làm báo Việt Nam. Chỉ có như vậy, nhà báo và các cơ quan báo chí mới thích ứng được trong bối cảnh mà áp lực thông tin đòi hỏi ngày càng phải nhanh nhưng phải đúng như hiện nay.

VŨ ÚY