Sự trở trăn của người cầm bút

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 15:13, 22/06/2018

Nhà báo là những người viết về đủ thứ trong thiên hạ nhưng lại ít khi viết về mình.

Nhà báo là những người viết về đủ thứ trong thiên hạ nhưng lại ít khi viết về mình. Chính vì vậy số lượng những nhà báo làm thơ khá nhiều nhưng số lượng những bài thơ viết về nghề báo lại không thực phong phú như một số nghề nghiệp khác. Trong đó, nổi lên bài thơ "Nhà báo" của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại như một lời tâm sự của người từng nếm trải đủ vinh quang, cay đắng của nghề. Bài thơ mang góc nhìn khá đa chiều, rất chân thực và đáng suy ngẫm. 

Khổ đầu tiên của bài thơ miêu tả khái quát khá tài tình đặc trưng của người làm báo. Đó là luôn bận rộn, suy nghĩ và hành động luẩn quẩn xoay quanh các số báo: "Chẳng phải vay ai mà cũng nợ/Số này số khác thúc chân nhau/Lo trang, lo chữ hơn lo vợ/Nhìn đó trong đây tự chuốc sầu". 

Phải là người đã từng trải qua hoặc rất thấu hiểu nghề mới có thể viết nên những câu thơ như thế. Nhà báo là những người lúc nào cũng trong guồng quay của tin tức như một dòng chảy bất tận không bao giờ ngừng. Những số báo nối tiếp nhau không khi nào dừng lại nên nhà báo luôn trong tình trạng "nợ" bài, "nợ" tin, thành ra "Lo trang, lo chữ hơn lo vợ". Một đặc trưng nữa của nghề là phải nhìn sâu vào các sự kiện, hiện tượng để tìm ra bản chất vấn đề, suy nghĩ về những giải pháp, hướng đi... nên nhà báo thường có sự suy tư, trăn trở. Người làm báo thường tiếp xúc với nhiều mặt trái của xã hội nên sự trăn trở đó đôi khi trở thành nỗi buồn mà nhà thơ gọi là "tự chuốc sầu". Khi đọc những dòng thơ đầy chất tự sự này, từng câu chữ và suy nghĩ thật sự thấm thía. Những đặc điểm này của nghề báo không mấy xa lạ với người trong nghề song đó là góc khuất không phải người ngoài nào cũng biết. 

Nếu như khổ thơ đầu tiên là lời tự sự từ gan ruột thì hai khổ tiếp theo dường như có sự đối nghịch bởi đó là cái nhìn từ bên ngoài của xã hội đối với nghề báo. Trong quan niệm của nhiều người, nghề báo là "nghề oách" vì "Tiếng tăm vang cả bốn phương trời", "Xe kia, xe nọ thường đưa rước/Quan nhỏ, quan to ấy bạn chơi". Bên cạnh đó, nghề báo còn khiến nhiều người thán phục vì kiến thức, sự hiểu biết bởi nghề nghiệp tạo điều kiện cho người làm báo được tiếp cận với nhiều nguồn tin, tài liệu, nhiều người quan trọng. Thế mới có chuyện nhà báo "bàn cơ cấu" rồi lại "giữ môi sinh", "bán buôn quốc tế", "trừ tham nhũng", "khoa học, văn chương", dường như họ có thể tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Ánh hào quang này của nghề báo cũng khiến không ít người ngoài cảm thấy choáng ngợp và người trong nghề cảm thấy tự hào. 

Nhưng những ánh hào quang bên ngoài đó có nuôi dưỡng được người làm báo sống chết với nghề hay không? Hay đó chỉ là bề nổi chứ không phải ý nghĩa đích thực của nghề này? Câu trả lời nằm trong hai khổ thơ cuối của bài thơ, giống như những nốt trầm lắng xuống sau những giai điệu được đẩy lên tới cao trào. Bề nổi đầy ma lực đó của nghề báo đã khiến không ít người ngộ nhận về ý nghĩa và sức mạnh của nghề cũng như của chính bản thân mình. Bởi vậy, xuất hiện tâm lý "Chơi quan những tưởng mình quan trọng/Bàn nghề, ngộ nhận đã lên chuyên". Tác giả đã lật lại hai khổ thơ trên chỉ bằng hai câu ngắn gọn và tiếp tục xóa tan những ảo tưởng về nghề bằng kết luận thẳng thắn đầy chua xót "Quan chẳng quan mà chuyên chẳng chuyên". 

Nếu như chỉ dừng lại ở đó thì cảm xúc về nghề báo dường như hơi tiêu cực. Khổ thơ cuối cùng đã mở ra một "lối thoát", là những suy ngẫm sâu xa của tác giả về ý nghĩa của nghề, vai trò của người làm báo với sự phát triển của xã hội. Đó không phải điều gì quá to tát, vĩ đại mà chỉ là "viên đá lát", "ngọn đèn chong khát ánh ngày", âm thầm đóng góp chút "tài mọn" trong việc đưa thông tin trung thực, nhanh chóng tới công chúng, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Cây bút ngày nay được tác giả đặt trong thế tương quan với cây súng thời xưa. Cây súng dùng để chiến đấu với kẻ thù trong thời chiến, cây bút chiến đấu với những thói hư tật xấu, những mặt trái, vi phạm trong thời bình. Khi cầm cây súng, người chiến sĩ thanh thản vì xác định rõ kẻ thù, còn khi cầm cây bút, người làm báo vẫn nặng tâm tư bởi ranh giới của sự đúng - sai, tốt - xấu nhiều khi rất mong manh, đòi hỏi họ phải tỉnh táo và sáng suốt, nhiều khi phải đấu tranh với cả bên ngoài lẫn chính bản thân mình để đi đến tận cùng sự thật. Khổ thơ cuối cùng là lời kết vẫn nặng suy tư song cũng hết sức thanh thản khi người làm báo xác định được đúng vai trò, vị trí của mình. 

"Nhà báo" là bài thơ có kết cấu chặt chẽ, lời thơ hàm súc, đặc trưng của ngòi bút làm báo. Bài thơ đã khắc họa được cả bề nổi lẫn chiều sâu của nghề báo, nói lên tiếng lòng khó tỏ bày của nhiều người làm báo trong thời hiện đại. 

LAM ANH

Nhà báo

Chẳng phải vay ai mà cũng nợ
Số này số khác thúc chân nhau
Lo trang, lo chữ hơn lo vợ
Nhìn đó trong đây tự chuốc sầu

Nghề oách, nhiều khi nghe cũng oách
Tiếng tăm vang cả bốn phương trời
Xe kia, xe nọ thường đưa rước
Quan nhỏ, quan to ấy bạn chơi…

Xuống huyện xắn quần bàn cơ cấu
Lên rừng vung bút giữ môi sinh
Bán buôn quốc tế, trừ tham nhũng
Khoa học, văn chương tỏ điệu sành!

Chơi quan những tưởng mình quan trọng
Bàn nghề, ngộ nhận đã lên chuyên
Xót nỗi muộn mằn nay mới tỉnh
Quan chẳng quan mà chuyên chẳng chuyên

Ngày xưa cây súng, lòng thanh thản
Cây bút bây giờ mới nặng thay!
Tài mọn, thôi làm viên đá lát
Làm ngọn đèn chong khát ánh ngày.

NGUYỄN SĨ ĐẠI