Người níu giữ nhịp phách ca trù

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 14:24, 25/06/2018

Vừa đến nhà ông Nguyễn Văn Đường (sinh năm 1951) ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung (Nam Sách), chúng tôi đã nghe thấy âm thanh trầm đục của đàn đáy cùng lời hát ca trù réo rắt.


Từ khi xem nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Phú Đẹ biểu diễn đàn đáy, ông Nguyễn Văn Đường đã bén duyên với ca trù

Vốn là một người mê hát văn, giỏi đánh đàn tam thập lục nhưng ông Đường chưa có cơ hội bén duyên với cây đàn đáy. Ông Đường chia sẻ: “Năm 2000, một lần tôi được xem cụ Nguyễn Phú Đẹ biểu diễn. Từ đó, tôi yêu thích và muốn được học bộ môn nghệ thuật này. Tôi quyết tâm đến học cách đánh đàn đáy của cụ Đẹ. Càng học càng thấy lời ca, nhịp phách, tiếng đàn như ngấm vào trong tâm hồn". Năm 2003, ông Đường được tham gia lớp học ca trù do tỉnh tổ chức. Từ đó, ông gắn bó với cây đàn đáy".

Năm 2007, UBND huyện Nam Sách thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ca trù, giao cho ông làm chủ nhiệm. Những ngày đầu ra quân có biết bao khó khăn, nhọc nhằn nhưng ông luôn tự nhủ mình cố gắng hết sức để gìn giữ môn nghệ thuật kén người nghe, người học này. 

Từ năm 2007 đến nay, CLB vẫn duy trì đều đặn các hoạt động. Cứ vào các tối thứ 7, chủ nhật hằng tuần, ngôi nhà của ông lại tràn ngập thanh âm của ca trù. Ông là người trực tiếp hướng dẫn mọi người cách cầm trống chầu, giữ nhịp phách. 

Từ khi thành lập CLB đến nay, ông Đường đã phát hiện, đào tạo được 8 người trẻ gồm cả học hát, chơi trống chầu và đàn đáy. Một số người theo học ông đã trở thành học viên của Học viện  m nhạc quốc gia Việt Nam... 

Hai đứa cháu nội của ông năm nay mới 8 tuổi nhưng đã trở thành cây trống chầu và ca nương trong CLB Ca trù của huyện. Vốn sở hữu chất giọng vang, rền, nảy, rất hợp với ca trù cộng với sự dạy dỗ từ chính người ông của mình, em Nguyễn Thị Hoàng Dung đã có thể hát được làn điệu ca trù khá mượt.

Sự tận tụy của ông đã truyền lửa cho những thành viên trong CLB. Với ông, đó là niềm vinh dự, là sứ mệnh của những người truyền dạy ca trù. Vốn là một kép đàn nên ông có thuận lợi vừa dạy hát, vừa dạy chơi đàn đáy... Những bài ca trù như Đào hồng, Đào tuyết, Cái tình là cái chi chi, Tự tình, Hương sơn phong cảnh… tưởng như khó tiếp cận lại được thể hiện rất sinh động và có hồn. 

Từ khi thành lập CLB đến nay, ông cùng các thành viên tham gia biểu diễn và đoạt được nhiều giải cao tại Hội diễn ca trù toàn quốc (năm 2007), Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc (năm 2009)... CLB còn đi biểu diễn ở một số huyện như Cẩm Giàng, Bình Giang...

Không chỉ giỏi và mê ca trù, ông còn là một cây chèo có tiếng trong huyện. Ông thường xuyên tham gia sinh hoạt, giao lưu tại các CLB hát chèo trong và ngoài huyện. Nhờ thành tích và cống hiến của mình dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này, ông đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đề nghị phong danh hiệu nghệ nhân dân gian.

Ông Đường cho biết việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật ca trù trong lớp trẻ cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là tìm người học đàn đáy. Bởi học được cách đánh đàn đáy rất khó khăn, có người học đến 1-2 năm cũng chưa đánh được. Người đánh ngoài thuộc lời, hiểu lời còn phải nắm được cách của người hát. "Tôi trăn trở lắm, bây giờ điều kiện hơn xưa nhưng những người tìm đến học và nghe ca trù rất ít. Bảo vệ ca trù khẩn cấp cần phải có sự đầu tư, quan tâm cho chính nghệ nhân và những người đang truyền dạy", ông Đường nói. 

THẢO NGUYỄN