Thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 09:45, 28/06/2018

Điều 34 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện này.

Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh về thực phẩm đều phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Điều 34 Luật ATTP năm 2010 quy định đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP như sau: Có đủ điều kiện bảo đảm ATTP phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trình tự, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP bao gồm: hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP quy định tại điều 36 Luật ATTP 2010. Cần có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp; giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định tại điều 5 Thông tư 47/2014/TT-BYT. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do UBND (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên. UBND (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do UBND (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ.

PV (tổng hợp)