Thất tình và hội chứng “tan nát con tim”
Xã hội - Ngày đăng : 19:14, 28/06/2018
Kết quả qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh rằng: thất tình, mất chồng, mất vợ... hay những chuyện đau buồn khác, sẽ dẫn tới hội chứng “tan nát con tim” hay bệnh cơ tim Takotsubo (Takotsubo cardiomyopathy). Hậu quả, dễ dẫn đến tim bị loạn nhịp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thất tình dễ mắc bệnh tim mạch
Nhiều nghiên cứu trước đây tiến hành ở phương Tây cho biết: Rối loạn nhịp tim thường là chứng rung nhĩ (tâm nhĩ) khiến trái tim đập một cách bất thường, thường là nhịp nhanh và đột ngột. Thế nhưng qua thời gian dài vẫn chưa có một nghiên cứu nào kiểm chứng mối liên kết giữa các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống và bệnh rung nhĩ. Gần đây, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Aarhus, Đan Mạch đã dựa trên khảo sát một triệu bệnh nhân để tìm ra mối liên hệ giữa việc mất người yêu (thất tình, mất chồng, mất vợ) và tiến triển của bệnh rung tâm nhĩ.
Chứng rung nhĩ hay gặp ở người thất tình,...
Theo kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng: nguy cơ dẫn tới bệnh loạn nhịp tim của những người bị mất người yêu sẽ cao hơn 41% so với những người khác không trải qua hoàn cảnh tương tự. Thất tình có liên quan tới những bệnh về tim như rung nhĩ, tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và tử vong. Chứng loạn nhịp tim làm chất lượng cuộc sống thấp. Theo đó, nguy cơ mắc loạn nhịp tim trong suốt cuộc đời là khoảng 22 - 26% và tình trạng căng thẳng sẽ gia tăng nguy cơ đó.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát một số yếu tố có ảnh hưởng tới nguy cơ rung nhĩ như độ tuổi, giới tính, tình hình sức khỏe trước đó của bệnh nhân và sức khỏe của bạn tình trước khi mất.
Loại trừ các yếu tố gây nhiễu, các nhà nghiên cứu xác định rằng nguy cơ bị rung nhĩ sẽ cao nhất từ 8 - 14 ngày sau khi mất bạn tình và vẫn còn tiếp tục cao trong suốt một năm sau đó. Nguy cơ này đối với người ở dưới 60 tuổi cao hơn và tác động của nó cũng mạnh mẽ hơn ở những người đột ngột mất bạn tình đang khỏe mạnh. Cần chú ý là nguy cơ mắc bệnh không phân biệt giới tính và cũng không phụ thuộc vào các điều kiện sức khỏe khác. Còn những người có bạn tình khỏe mạnh nhưng đột ngột mất sẽ có 57% nguy cơ mắc rung tâm nhĩ, trong khi nguy cơ này không tăng đối với người mất do bệnh hoặc cái chết đã báo trước.
Đi tìm nguyên nhân
Như vậy, kết quả nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa trạng thái tâm lý đối với nguy cơ rung nhĩ. Thế nhưng các nhà nghiên cứu chưa thể xác định được cơ chế của mối liên hệ này. Các nhà khoa học cho rằng, những đợt stress cấp tính có thể phá vỡ nhịp tim bình thường, nhanh chóng giải phóng hóa chất có liên quan đến phản ứng viêm, kích ứng vốn thường xuất hiện với các phản ứng chấn thương vật lý hoặc nhiễm khuẩn.
Khi mất người thân, như vợ hoặc chồng, thường dẫn tới các triệu chứng tâm lý như trầm cảm, lo âu, tội lỗi, giận dữ và tuyệt vọng. Tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn tình qua đời và dẫn tới căng thẳng thần kinh ở cường độ cao. Nếu căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng tới các quá trình hoạt động cơ bản của hormon. Chẳng hạn, cơ thể sẽ giải phóng adrenalin, vốn rất hữu dụng trong các tình huống nguy hiểm cấp tính làm tăng nhịp tim và lượng máu cung cấp cho cơ bắp giúp vận động khẩn trương như trong chiến đấu, nhưng chúng cũng có thể phá vỡ nhịp tim nếu được giải phóng quá lâu và kéo dài.
Tình trạng căng thẳng thần kinh cấp tính cũng có thể tạo nên sự mất cân bằng trong hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh tự chủ, vốn điều khiển các chức năng sống cơ bản của cơ thể. Đồng thời nó cũng làm tăng nhịp tim và tần suất các tín hiệu thần kinh chạy qua tim tới cơ bắp, gây co buồng tim.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những người đã trải qua các căng thẳng thần kinh nghiêm trọng có thể là một nhóm người dễ bị tổn thương và cần chăm sóc y tế. Do nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch, nhóm người này chính là một thách thức lớn đối với hệ thống sức khỏe toàn xã hội.
Kết quả nghiên cứu này không chỉ làm rõ mối liên quan giữa trạng thái tâm lý đối với bệnh tim mạch, mà còn dấy lên mối lo ngại về những trạng thái stress trong xã hội hiện đại. Điều may mắn là nguy cơ này có thể phòng tránh để giúp con người có sức khỏe về thể chất và lành mạnh về tinh thần.
Theo Sức khỏe và đời sống