Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7.2018

Xã hội - Ngày đăng : 14:58, 30/06/2018

Lương hưu, trợ cấp BHXH tăng 6,92%; Giảm giá khám chữa bệnh BHYT; Tăng lương cơ sở 90.000 đồng/tháng... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7.2018.

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Nghị định 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng có hiệu lực từ 1.7.2018.

Theo đó, kể từ 1.7.2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6.2018 đối với các đối tượng sau:

Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.

Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130/CP và Quyết định 111-HĐBT.

Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg.

Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.

Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.

Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Giảm giá khám chữa bệnh BHYT từ 15.7

Có hiệu lực từ ngày 15.7.2018, thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Theo Thông tư, giá khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) dao động từ 23.300 đồng - 33.100 đồng, tùy hạng bệnh viện; giá siêu âm 38.000 đồng, chụp Xquang từ 44.000 - 66.000 đồng.

Cũng theo Thông tư này, người bệnh vào khoa cấp cứu, có thời gian cấp cứu, điều trị dưới 4 giờ không phải trả tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu. Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp chỉ phải trả bằng 50% tiền giường. Đặc biệt, bệnh viện bố trí nằm ghép 2 người/giường chỉ được bảo hiểm xã hội thanh toán 1/2 mức giá giường bệnh, nằm ghép 3 người thanh toán 1/3 mức giá.

Tăng lương cơ sở

Nội dung này được quy định tại Nghị định 72/2018 của Chính phủ và Thông tư 06/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Theo đó, từ ngày 1.7, lương cơ sở tăng từ mức 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng.

Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang là những đối tượng được hưởng.

Mức lương này được dùng làm căn cứ tính mức lương trong bảng lương, phụ cấp; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật, tính các khoản trích và chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

5 điều kiện được hưởng án treo

Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng về các điều kiện được hưởng án treo có hiệu lực từ ngày 1.7.2018.

Cụ thể: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; Có nhân thân tốt; Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong đó, thời gian thử thách của án treo phải bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không dưới 1 năm và không được quá 5 năm. Đặc biệt, không cho hưởng án treo với người phạm tội bị xét xử cùng 1 lần về nhiều tội; phạm tội nhiều lần; bị truy nã hoặc là người chủ mưu.

Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp

Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế có hiệu lực từ ngày 10.7.2018. 

Theo Nghị định này, dân cư không được phép sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất; chuyên gia nước ngoài sinh sống tại đây không được kèm người thân.

Về chính sách đối với khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất, Nghị định quy định: Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai hải quan; Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án; Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được khấu trừ chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê chung cư và các kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế để tính thu nhập chịu thuế…

Chế độ ưu tiên cho công chức ngành kiểm toán

Có hiệu lực từ 1.7, Nghị định 66/2018 của Chính phủ về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

Theo quy định, hằng năm, KTNN được trích 5% số tiền do KTNN phát hiện và kiến nghị theo quy định để chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN.

Số tiền bao gồm các khoản tăng thu ngân sách Nhà nước về thuế, phí, lệ phí; các khoản đã chi ngân sách sai chế độ đã nộp lại; các khoản chi ngân sách sai chế độ đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý giảm chi, giảm thanh toán; các khoản kinh phí bố trí dự toán vượt định mức, sai nguồn do KTNN phát hiện và kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý thu hồi…

Mức chi không vượt quá 0,8 lần mức lương do Nhà nước quy định, gồm: Lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp chức vụ, vượt khung, ưu đãi theo nghề... Sau khi chi thưởng, số kinh phí còn lại được dùng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành.

Hoàng Yên (Đời sống pháp luật)