Trần Lê Sơn Ý: Liệu còn cách nào tốt hơn là tự tử không?
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:58, 03/07/2018
Tác giả Trần Lê Sơn Ý tại buổi giao lưu ra mắt sách - Ảnh: LAM ĐIỀN
Câu chuyện viết lách đối với cô sau độ lùi ấy vẫn càng nồng nàn tha thiết và sâu lắng không thôi.
Một bạn đọc trong giới truyền thông đặt vấn đề cụm từ "yêu thương là tự do" của Sơn Ý có sức gợi rất lớn. Dù vậy, có thể sẽ còn nhiều người băn khoăn yêu thương thì tự do như thế nào, làm sao để có tự do khi yêu thương bởi yêu thương là gắn với đối tượng và mức độ tự do dường như không còn do mình quyết định nữa?
Sơn Ý thừa nhận một khi toàn tâm yêu thương ai đó, cũng như mình "cống nạp" tất cả tự do cho người đó một cách tự nguyện. Thế nhưng khái niệm tự do trong yêu thương còn có thể mở ra đến nhiều biên độ, chẳng hạn để cho con được tự do cũng là một cách yêu thương.
Lại còn trường hợp lắm khi xung đột gia đình nổ ra khi sự tự do của người này làm mất tự do của người khác, Sơn Ý tự nhận mình không phải chuyên gia tâm lý tư vấn các chuyện gia đình, nhưng cô kể câu chuyện của một người bạn, anh chồng làm đêm thường xuyên về muộn, vậy mà cô vợ vẫn kiên nhẫn chờ hằng đêm như vậy.
Nhưng cô ta chờ trong hạnh phúc, bằng cách làm bánh hoặc một việc gì đó trong khi chờ chồng.
Sơn Ý tặng chữ ký cho bạn đọc Đường sách TP Hồ Chí Minh - Ảnh: L.Điền
Lại có câu chuyện một người bạn đã sốc khi có đứa con gái xăm mình, được mẹ ủng hộ. Sơn Ý đã đưa ra lời khuyên rằng khi con hiểu và chọn, cứ để con chịu trách nhiệm với việc con làm, cha mẹ không thể và không nên cấm cản con. Bởi rốt cuộc điều chúng ta cần là người thân của mình có hạnh phúc hay không.
Và trong vô vàn những tình huống do cuộc sống đặt ra, người phụ nữ viết văn cần tìm cách giữ thăng bằng, cho mình và cho cả quá khứ, tương lai. "Tôi cũng chỉ là người đang cố giữ thăng bằng thôi chứ không phải là nghệ sĩ xiếc", Sơn Ý ví von.
Trong khi đó, nhiều bạn đọc đồng cảm với tập tản văn Yêu thương là tự do. Có bạn đã đọc kỹ, thậm chí còn nhớ cả một số câu chuyện trong sách. Chẳng hạn những gì Sơn Ý viết về một bà mẹ ép con mình uống thuốc diệt cỏ để cùng tự tử.
Câu chuyện từ truyền thông trở về trong trang sách của Ý. Rồi từ trang sách ra đến cộng đồng bạn đọc. Với Ý, cô giữ quan niệm: Giá như người mẹ kia chậm hơn một chút, giá như có ai đó để người mẹ ấy tâm sự thì cái chết thương tâm kia có cơ không xảy ra.
Sống chậm hơn một chút, người ta có thể đặt ra câu hỏi: Liệu còn cách nào tốt hơn là tự tử không? Nhưng cuộc sống bây giờ nhanh quá, cuốn người ta ghê gớm quá, trong tình thế ấy, giữ cho mình mộng mơ và trải lòng vào trang viết có khi lại là một cách sống an yên.
Giữ vai trò một người đi tìm cách sống và cảm giác sống hạnh phúc, rồi chia sẻ nó cho người bạn đời, cho những đứa con, và cả bạn đọc thông qua trang sách là công việc có nhiều niềm vui, nhưng cũng không ít trở ngại. "Trở ngại thứ nhất là thời gian càng lúc càng eo hẹp hơn; và thứ hai là tâm trí. Khi có một đứa con, người ta để hết tâm trí vào nó, như một kho báu thu hút tâm trí mình vậy".
Vậy mà, Sơn Ý có những ba kho báu như thế. Quan trọng hơn, cô còn viết khỏe, tập Yêu thương là tự do chỉ là một trong hai tập mới nhất cô vừa trình làng trong đợt trở lại đầy ấn tượng
LAM ĐIỀN