Các biện pháp chống nóng cho đàn gia súc
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:40, 03/07/2018
Do vậy, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện chống nóng cho đàn gia súc bằng các biện pháp sau:
Chuồng trại
Nên đặt quạt thông gió, quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc. Không nên treo quạt trên trần nhà từ mái chuồng chĩa xuống dưới gia súc, hiệu quả chống nóng thấp.
Với các trang trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín cần kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc. Với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, cần tăng cường hệ thống làm mát đơn giản như dùng bạt che chắn, trang bị hệ thống giàn phun mưa thủ công tại chuồng nuôi để chủ động làm mát.
Chăm sóc
- Đối với trâu, bò, bảo đảm cho ăn đủ cỏ xanh và bổ sung thêm thức ăn tinh (1 - 3 kg/con/ngày). Bảo đảm thường xuyên có đủ nước sạch để gia súc uống. Nên chăn thả gia súc vào khoảng thời gian từ 6 - 9 giờ và từ 16 - 18 giờ hằng ngày, không chăn thả ngoài trời nắng gắt, cho ăn thêm những lúc nhốt trong chuồng. Không để gia súc làm việc nặng hay làm việc nhiều trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
- Với lợn, cần bảo đảm lượng thức ăn tinh có bổ sung các loại khoáng, vitamin, điện giải để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Tắm cho lợn 1-2 lần/ngày, cho uống đủ nước, uống Bcomplex, chất điện giải (đặc biệt là vitamin C) vào thức ăn để giải nhiệt. Những ngày nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường cho ăn vào ban ngày chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày. Thường xuyên bảo đảm đủ nước mát cho gia súc uống. Hạn chế đến mức tối đa việc vận chuyển, xuất, nhập gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng. Nếu có, cần chuyển vào đêm, sáng sớm hoặc chiều mát, phương tiện vận chuyển bảo đảm, mật độ thấp.
- Giảm mật độ chuồng nuôi lợn: lợn nái có chửa cần 3- 4 m2/con, lợn thịt 2 m2/con.
Phòng bệnh
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Nền chuồng phải sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước. Định kỳ phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong môi trường. Tiêm vaccine định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn