Nhiều vấn đề nóng được thảo luận

Chính trị - Ngày đăng : 19:00, 04/07/2018

Phiên thảo luận tại hội trường của Hội nghị 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI diễn ra sôi nổi đề cập đến các vấn đề nóng được dư luận quan tâm hiện nay.

Tai nạn giao thông là vấn đề nóng, được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Ảnh: Thành Chung

Cấp thiết xử lý rác thải sinh hoạt

Theo đồng chí Vũ Ngọc Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện mỗi ngày người dân trên địa bàn tỉnh thải ra khoảng 12.000 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, mới có khoảng 75% số rác thải sinh hoạt được thu gom vào các bãi tập trung, còn 25% số rác thải vẫn tồn tại trong môi trường sống. Toàn tỉnh có tới 46 điểm chứa rác thải tự phát, rác thải ở ven đường giao thông, trong đó huyện Cẩm Giàng có nhiều nhất với 17 điểm chứa rác thải tự phát. Thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải nông thôn, tỉnh đã hỗ trợ 44 xã xây dựng bãi rác tập trung với kinh phí 500 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2018 tỉnh sẽ không thực hiện hỗ trợ vì đây không phải giải pháp căn cơ, hiệu quả mà rác thải phải được thu gom, xử lý tập trung. Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng) với công suất giai đoạn 1 là 500 tấn/ngày. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai dự án. Để xử lý triệt để vấn đề rác thải tại thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn, chính quyền địa phương cần tích cực, chủ động kêu gọi, hỗ trợ, tạo điều kiện các nhà đầu tư tìm hiểu, xây dựng nhà máy xử lý rác tại đây.

Đồng chí Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu để xử lý, khắc phục ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt bằng các biện pháp thu gom, xử lý nước thải trước khi xả vào hệ thống kênh tưới. Theo đồng chí Toản, hiện nay lượng rác thải sinh hoạt nông thôn này càng nhiều. Trong khi đó người dân chưa hiểu biết và chưa thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Để nâng cao hiệu quả xử lý rác thải ở nông thôn, bên cạnh việc xây dựng thêm nhà máy xử lý rác tập trung cần quan tâm đến chế độ cho những người làm công việc thu gom, vận chuyển rác ở nông thôn.

Quan tâm tiêu thụ nông sản

Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Hàđề nghị tỉnh sớm có biện pháp bảo vệ thương hiệu nông sản của Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Trước kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm, đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho rằng, điểm nổi bật trong 6 tháng qua là tỉnh tổ chức thành công Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm 2018. Lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo khách mời và nhân dân, qua đó quảng bá hiệu quả thương hiệu vải thiều của tỉnh, thu hút nhiều doanh nghiệp đến thu mua, góp phần giải quyết hiệu quả việc tiêu thụ vải quả cho nông dân trong một năm được mùa. Thông qua chương trình lễ hội và các hoạt động xúc tiến thương mại đã làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho ra sản phẩm sạch. “Thực tế cho thấy vải có giấy chứng nhận VietGAP và tem truy xuất nguồn gốc, được khách hàng tin dùng mua với mức giá cao hơn. Đây là cách tác động hiệu quả tới nhận thức của nhân dân”, đồng chí Tuấn nói. Tuy nhiên, đồng chí Tuấn cũng đề nghị tỉnh sớm có biện pháp bảo vệ thương hiệu nông sản của Hải Dương. Qua vụ vải vừa rồi, một số doanh nghiệp nước ngoài khi thu mua vải cũng có tem truy xuất nguồn gốc, nhưng không ghi nguồn vải Thanh Hà mà ghi vải tươi, xuất xứ ở Long Khánh, Đồng Nai.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ trì thảo luận, cho rằng, cùng với việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm hàng nông sản của Hải Dương, các địa phương trong tỉnh nên quan tâm đến bao bì cho sản phẩm. Bao bì cho hàng nông sản của tỉnh phải chú ý bảo đảm hình thức đẹp, giá thành rẻ và tiện lợi. Như vậy, việc quảng bá thương hiệu sẽ tốt hơn.

Đồng chí Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc tích tụ tập trung ruộng đất, đưa sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng mức hỗ trợ cho các địa phương mở rộng diện tích nhà lưới, nhà màng.

Tai nạn giao thông là vấn đề nóng

Theo đồng chí Lê Đình Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, mặc dù Ban An toàn giao thông tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn nóng. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh ta xếp thứ 3 toàn quốc (sau Tây Ninh và Bắc Giang) về tình trạng tai nạn giao thông tăng cao.

Một trong những nguyên nhân khiến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp là do tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn diễn ra phổ biến và gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát hiện 607 vụ vi phạm hành lang an toàn giao thông. Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc để chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm nay. Ngoài huyện Ninh Giang xử lý 3 vụ vi phạm thì đến nay các địa phương chưa xử lý được trường hợp nào. 

Hiện nay mức phí trên các tuyến đường cao tốc cao, chưa thu hút được phương tiện tham gia giao giao thông. Chính vì vậy, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh như quốc lộ 5,18,38... chịu áp lực lớn về phương tiện tham gia giao thông khiến tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp.

Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào hoạt động vận tải, xử lý vi phạm giao thông còn hạn chế, lượng phương tiện cá nhân tăng cao, tình trạng xe dù chở khách chưa được xử lý khiến việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. "Ngày 22.6 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10, trong đó có 2 nội dung mới. Thứ nhất, tỉnh sẽ thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện và yêu cầu cấp huyện thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cấp xã trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào những nơi xảy ra nhiều tai nạn giao thông và vi phạm giao thông tăng cao. Thứ hai, đề nghị giao Công an tỉnh nghiên cứu xử lý vi phạm hành chính thông qua tài khoản ngân hàng, không xử lý trực tiếp nữa", đồng chí Long cho biết.

Thu gọn hợp lý đầu mối đơn vị giáo dục

Đồng chí Vũ Văn Lương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin việc tăng biên chế ngành giáo dục thời gian qua là do tỉnh ta chuyển các trường mầm non và THPT bán công sang công lập, tuyển dụng vào biên chế hơn 4.000 giáo viên hợp đồng sau chuyển đổi mô hình. Hiện nay, có gần 1.900 giáo viên hợp đồng ở cả bậc học mầm non và phổ thông, chưa kể giáo viên hợp đồng cụ việc. Trong đó, với bậc mầm non chủ yếu là người nấu ăn, phục vụ; cấp tiểu học chủ yếu hợp đồng giáo viên dạy tự chọn và cấp THCS hợp đồng giáo viên do tăng lớp. Ngành giáo dục và đào tạo thống nhất chủ trương thu gọn đầu mối các cơ sở giáo dục song phải bảo đảm sự phát triển, tinh gọn để mạnh lên. Ngành giáo dục đề xuất việc sáp nhập theo hướng sáp nhập các trường cùng cấp trên địa bàn, sáp nhập các trường nhỏ cùng cấp ở 2 địa bàn nhỏ gần nhau hoặc sáp nhập trường THPT với THCS. Việc sáp nhập liên trường tiểu học – THCS trên cùng một địa bàn sẽ gặp khó khăn do chuyên môn các cấp học không giống nhau, không phù hợp về khoa học giáo dục.

Về nội dung này, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo cần xác định rõ việc tăng giảm biên chế, tăng giảm quy mô học sinh là so với tiêu chí nào để đề xuất phương án phù hợp, hiệu quả, tránh làm cồng kềnh bộ máy.

THANH MAI - HOÀNG BIÊN