Lật lại vụ chiến hạm Mỹ bắn rơi máy bay dân sự Iran
Thế giới - Ngày đăng : 14:04, 05/07/2018
Tàu USS Vincennes bắn hạ chiếc Airbus A300 của Iran Air trên Vịnh Ba Tư vào ngày 3.7.1988. Chiếc Airbus A300 khi đó đang ở độ cao 4.300 m trên hành trình từ Tehran (Iran) tới Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất).
Tang lễ những nạn nhân trên chuyến bay của Iran Air năm 1988. Ảnh: AP |
Sau khi không nhận được hồi âm bằng sóng radio, phía Mỹ cho rằng chiếc Airbus A300 là chiến đấu cơ F-14 Tomcat của Iran. USS Vincennes liền phóng 2 quả tên lửa hải đối không SM-2MR nhằm vào chiếc Airbus A300.
Chiếc phi cơ dân sự của Iran khi trúng tên lửa đã rơi xuống biển, khiến 290 người trong đó có 66 trẻ em thiệt mạng.
Các thủy thủ của USS Vincennes khẳng định máy bay của Iran Air đã phớt lờ yêu cầu chuyển hướng. Tuy nhiên, hãng tin Sputnik (Nga) cho biết trên thực tế USS Vincennes đã liên lạc với phi hành đoàn chiếc máy bay của Iran qua tần số radio quân sự.
Chuyên gia quân sự Yuri Lyamin thừa nhận ở thời điểm xảy ra vụ tai nạn với máy bay số hiệu 655 của Iran Air, Tehran và Washington đang ở trên bờ vực xảy ra chiến tranh và “tình hình tại khu vực vô cùng căng thẳng, các tàu Hải quân Mỹ luôn trong trạng thái cảnh giác liên tục”.
Tàu USS Vincennes trong một lần phóng tên lửa. Ảnh: Sputnik |
Ông Lyamin cũng cho biết trong những tháng cuối cùng của cuộc xung đột Iran-Iraq (1980-1988), Mỹ thường tấn công các tàu của Iran. Để thể hiện ủng hộ với Iraq, Mỹ đã cử các chiến hạm tới Vịnh Ba Tư kể từ giữa năm 1988.
Theo chuyên gia Lyamin, qua vụ việc với chiếc phi cơ của hãng Iran Air, Mỹ muốn cho Iran thấy Washington có thể bắn hạ bất cứ phương tiện nào, kể cả là máy bay dân sự, nếu cho rằng đó là mối đe dọa với chiến hạm của Mỹ.
Một chuyên gia quân sự người Nga khác, ông Mikhail Khodaryonok nhận định với Sputnik rằng “sai sót là không tránh khỏi, đặc biệt ở trong khu vực nơi diễn ra các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn phi cơ dân sự với máy bay chiến đấu chỉ có thể ở trong suy nghĩ của Mỹ”.
Ông Khodaryonok bổ sung: “Khi nhận được thông tin radar, người vận hành phải định hình được tình huống cơ bản. Người vận hành có kỹ năng có thể sử dụng radar kép để nắm thông tin và tốc độ của phương tiện bay nhằm phân biệt đó là chiến đấu cơ hay phi cơ dân sự”. Do đó, chuyên gia Khodaryonok đánh giá rằng các chỉ huy của phía Hải quân Mỹ đã thiếu chuyên nghiệp.
Không một thủy thủ nào trên tàu USS Vincennes phải chịu trách nhiệm trong vụ bắn hạ máy bay dân dụng của Iran. Vào ngày 4.7.1988, Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan cho biết vụ việc với máy bay của Iran Air là “tai nạn có thể hiểu được”.
Năm 1996, Mỹ chấp thuận trả 62 triệu USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn với máy bay của hãng Iran Air, đổi lại Tehran rút đơn kiện Washington tại Tòa Án Công lý Quốc tế.
HÀ LINH (Tin tức)