Kỹ năng sử dụng ô tô an toàn những ngày nắng nóng
Pháp luật - Ngày đăng : 16:08, 05/07/2018
Trong những ngày nắng nóng, nên tìm chỗ có bóng mát để đỗ xe
Thiếu kỹ năng
Lần đầu tiên mua ô tô, anh Minh Hà ở ngõ 106 Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) khá lúng túng khi sử dụng xe trong những ngày nắng nóng. Do đang làm việc ở một doanh nghiệp nước ngoài, cán bộ, nhân viên hầu hết đi ô tô nên hằng ngày rất khó để anh kiếm được một chỗ để xe dưới gốc cây ở sân công ty. "Sáng 3.7, tôi để xe ngoài sân bê tông, đến khoảng 15 giờ ra lấy xe để đi thì thấy mùi khét lẹt. Kiểm tra khắp xe, hóa ra bức tượng Di Lặc bằng nhựa gắn phía trên bảng taplo đã bị chảy nhũn ra", anh Minh Hà kể.
Cũng trong đợt nắng nóng này, ô tô của anh Văn ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) gặp một sự cố nghiêm trọng hơn. Sáng 3.7 anh Văn đến làm việc ở Công an TP Hải Dương, gửi xe trên vỉa hè đại lộ Hồ Chí Minh. Đến trưa, khi lấy xe ra về, đang lùi xuống đường thì lốp sau bên phải nổ tung. "Trước đó, khi đi rửa xe tôi đã yêu cầu bơm lốp. Có lẽ do bơm căng, lốp đã mòn lại để dưới trời nắng nóng nên phát nổ. Vẫn may chứ bị nổ lốp khi đang đi trên quốc lộ 5 để về nhà thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra", anh Văn nhớ lại.
Trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ cao nhất đo được tại lều khí tượng của Đài Khí tượng thủy văn Hải Dương là 39 độ C. Tùy từng thời điểm trong ngày, nhiệt độ ngoài trời tại TP Hải Dương cao hơn từ 3 - 4 độ C. Vì vậy, sự cố về ô tô, nhất là với xe cũ xảy ra thường xuyên hơn. Mặc dù sự cố không lớn hoặc không xảy ra ngay, nhưng nếu lái xe thiếu kỹ năng thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ phương tiện.
Theo một số thợ sửa chữa ô tô, những ngày này các dòng xe cũ thường gặp sự cố về điều hòa, một số xe bị kẹt ổ CD, xe bị xuống hơi hoặc xịt lốp... Để tăng độ bền của xe, bảo đảm an toàn thì lái xe cần nắm được một số kỹ năng cơ bản. Cần tham khảo ý kiến của những người am hiểu về ô tô như thợ sửa chữa, lái xe lâu năm.
Cần tự trang bị kiến thức
Mở nắp capo khi đỗ xe cũng là cách để ô tô thoát nhiệt sau khi di chuyển
Mỗi lúc đỗ xe, anh Nguyên - lái xe của hãng taxi Thành Đông luôn có thói quen mở cửa phía sát lề đường hoặc hạ kính để ô tô không bị om nhiệt, tích nhiệt. Nhưng không phải xe nào cũng áp dụng được cách này. "Không phải chỗ nào cũng hạ được kính xe. Nếu lái xe không ở gần xe thì không nên hạ kính để tránh kẻ gian mở cửa lấy trộm xe hoặc đồ đạc", anh Nguyễn Hoài Nam đang công tác tại Công an tỉnh cho biết.
Theo anh Lương, chủ gara ô tô Lê Lương trên đường Hoàng Quốc Việt (TP Hải Dương), khi nắng nóng hoặc mưa úng, những ô tô gặp sự cố chủ yếu do người lái thiếu kỹ năng, ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ phương tiện, hình thức của nội thất, ngoại thất hoặc hư hỏng từng phần.
Anh Lương khuyến cáo trước khi nổ máy, nhất là trong những ngày nắng nóng, lái xe cần đi một vòng kiểm tra độ căng của lốp. Bơm lốp non hơn bình thường vì đi trên đường nóng, hoặc đỗ một chỗ áp suất lốp sẽ tăng lên. Nếu lốp căng, đã mòn khi đi trên đường nóng hoặc khi vào cua với tốc độ cao dễ bị nổ lốp. Khi đỗ xe ở những nơi có an ninh tốt, các kính cần hạ xuống. Nếu đóng kín, nhiệt độ ngoài trời là 35 độ C thì nhiệt độ trong xe có thể lên tới 45 độ C, gây hư hại thiết bị, làm các chi tiết bằng cao su, da bọc bị thoát mùi ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu có thể, sau khi đi một hành trình dài, lái xe cần mở nắp capo để thoát nhiệt. "Những ngày này, khi di chuyển hoặc lúc đỗ, lái xe cần dùng các tấm cách nhiệt che kính ở các cửa. Thường xuyên kiểm tra nước làm mát. Lái xe cũng cần sử dụng điều hòa hợp lý. Khi mới lên xe cần hạ kính, mở quạt gió để thổi hơi nóng ra ngoài. Không nên điều chỉnh nhiệt độ xuống mức thấp ngay khi lên xe; khi chuẩn bị xuống xe nên hạ kính hoặc tăng nhiệt độ điều hòa để khi bước ra ngoài không bị sốc nhiệt", anh Lương nói.
TIẾN HUY
Các chuyên gia khuyến cáo trong những ngày nắng nóng không nên để vật dụng dễ phát nổ trong ô tô như lọ nước hoa, bật lửa, nước có ga... Không nên để chai nước trắng trong xe, tránh trường hợp ánh nắng rọi trực tiếp vào làm hội tụ nhiệt gây cháy xe. |