Trồng cây ăn quả có múi: Đừng chạy theo phong trào!

Kinh tế - Ngày đăng : 19:09, 05/07/2018

Vài năm trở lại đây, nông dân trong tỉnh có xu hướng lựa chọn các loại cây ăn quả có múi như bưởi, cam... để phát triển kinh tế.

Hiện nông dân trong tỉnh có xu hướng trồng cây ăn quả có múi để phát triển kinh tế

Tuy nhiên, nếu trồng tràn lan theo phong trào người dân dễ phải đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá.

Diện tích tăng nhanh

Sau nhiều lần cân nhắc, đầu năm 2017, ông Nguyễn Bùi Quyền ở xã Tân Việt (Thanh Hà) quyết định phá bỏ gần 1 mẫu ổi để chuyển sang trồng bưởi da xanh. Theo ông Quyền, cây ổi cho giá trị kinh tế cao nhưng mất nhiều công chăm sóc. Hơn nữa, tuổi thọ của cây không cao, chỉ từ 3-4 năm sẽ cằn cỗi, chết héo nên tốn kinh phí cải tạo vườn và trồng lại. “So với ổi, cây bưởi không cho thu lợi ngay song mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài. Mặc dù đầu tư ban đầu cao hơn, kỹ thuật trồng phức tạp hơn nhưng cũng chỉ mất từ 1-2 năm, còn những năm tiếp theo tôi chỉ việc thu hoạch. Mặt khác, hiện người tiêu dùng thích chọn những loại quả tốt cho sức khỏe và bưởi là lựa chọn hàng đầu nên tôi ít lo ngại về đầu ra sản phẩm”, ông Quyền cho biết.

Anh Bùi Văn Nam ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang) cũng gom 7 ha ruộng để trồng cam, bưởi. Hiện anh Nam có 700 gốc bưởi da xanh, 300 gốc bưởi Diễn và 2.000 cây cam Canh. Do năm nay cây mới bói quả nên anh chỉ để lại một lượng quả vừa phải mà đã thu lãi tới 300 triệu đồng. Theo anh Nam, mô hình trồng cây ăn quả có múi theo quy mô lớn ở địa phương còn ít nên tiêu thụ khá thuận lợi. Nhưng chỉ cần vài năm nữa, khi người dân mở rộng diện tích trồng loại cây này và đạt năng suất tối đa thì rất có thể cung sẽ vượt cầu.

Trước kia, cây ăn quả có múi chỉ phát triển ở những nơi có địa hình bán sơn địa là Chí Linh, Kinh Môn, nhưng hiện nay loại cây này được trồng phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi 2.388 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây ăn quả có múi. Dự báo diện tích trồng cây ăn quả có múi sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Cần định hướng

Cây ăn quả có múi đã có mặt ở nhiều nơi, thậm chí nông dân còn bỏ các loại cây gắn bó lâu năm như vải, ổi, na để chuyển sang các loại cây trồng này. Cam, bưởi đang cho thu nhập cao, trung bình từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, gấp nhiều lần trồng lúa và cây khác. Đó là lý do chính khiến nông dân mở rộng diện tích các loại cây này. Tuy nhiên, không thể khẳng định cây ăn quả có múi sẽ vẫn tiếp tục cho hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới bởi người dân chưa quan tâm nhiều tới thị trường tiêu thụ.

Ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang cho biết: Những năm gần đây, người dân thường chọn trồng cây ăn quả có múi. Khi Thông tư 19/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực, nới lỏng hơn về quy định trồng cây lâu năm trên đất lúa chuyển đổi thì diện tích cây có múi lại càng tăng cao. Dù hiện nay, diện tích cây có múi trên địa bàn huyện chưa nhiều song cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nếu tốc độ phát triển cây có múi vẫn duy trì như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, loại cây ăn quả này sẽ bão hòa, thậm chí cung vượt cầu, dễ ế thừa. Vì vậy, trong kế hoạch chuyển đổi đất lúa mà huyện xây dựng, cơ quan chuyên môn có vai trò định hướng, khuyến cáo nông dân phải thận trọng, cân nhắc khi thực hiện chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có múi. Theo quy định, 1 vùng chuyển đổi phải được phê duyệt quy hoạch rộng từ 5 ha trở lên, nhưng thực tế người dân vẫn tự ý chuyển đổi tự phát với quy mô nhỏ lẻ gây khó khăn trong quản lý.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh xác định các loại cây ăn quả chủ lực là vải, ổi, na, nhưng diện tích cây ăn quả đang có sự chuyển dịch. Người dân tích cực mở rộng diện tích cây ăn quả có múi trên đất trồng lúa. Do đặc thù của cây ăn quả là phải mất thời gian dài mới đánh giá được hiệu quả kinh tế nên dù hiện tại cây ăn quả có múi mang lại giá trị cao, sở vẫn đề nghị các địa phương thận trọng khi mở rộng diện tích trên cơ sở quy hoạch chung đã xây dựng. Chỉ có như vậy, cây ăn quả có múi mới có thể tránh được nguy cơ được mùa, mất giá.

DŨNG CƯỜNG