Con trai, con gái
Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:25, 08/07/2018
Mấy ngày nay nắng gay gắt, nhiệt độ tăng đỉnh điểm, tội cho mấy người công nhân phải phơi lưng giữa công trường ngoài kia. Bà Điển chép miệng, lắc đầu xót xa. Chẳng cần nói chuyện đẩu đâu, ở ngay khu đô thị lấp lánh giàu có, toàn nhà cao tầng chót vót này bà cũng có thể thấy cuộc sống của mình hơn khối người rồi. Than vãn chi cho mệt, nghĩ ngợi chi cho nhức óc đau đầu.
Tiếng kéo cửa xoành xoạch dưới nhà vọng lên. Con trai bà Điển về. Đàn ông hơn bốn mươi tuổi đầu mà vẫn đơn bóng lẻ lối. Ông bà Điển được lên chức cụ khi còn trẻ thế này là nhờ tất vào cậu con trai quý hóa. Thanh xuân của con trai bà đã mất trong vòng tay một người đàn bà gần bằng tuổi mẹ nó. Không hiểu giời đất xui khiến thế nào, nó thậm thụt với người đàn bà đó bao năm mà ông bà Điển không hề hay biết. Để đến khi người ta ném vào nhà ông bà một đứa bé và bảo đấy là “máu mủ” nhà ông bà, bà mới tá hỏa phát hiện sự việc. Người đàn bà lăng loàn đê tiện đó hút hết sức lực thanh xuân của con trai bà, rồi bỏ mặc cậu thanh niên mặt búng ra sữa thẫn thờ ôm trên tay đứa bé đỏ hỏn. Ghét người đàn bà ấy, căm phẫn người đàn bà ấy, nhưng đứa bé nào có tội. Con trai mình thì cúi đầu nhận đứa bé là con của nó. Khỏi cần xét nghiệm ADN, nhìn đứa bé ông bà có thể nhận ra.
Chẳng biết bằng sức mạnh nào ông bà Điển cùng cậu con trai có thể vượt qua chuyện đau đớn đó mà nuôi đứa bé đỏ hỏn ngày ấy lớn lên, gả chồng cho nó. Con nó giờ đã líu lô gọi ông bà Điển là cụ ngoại.
Con trai bà Điển sau cú sốc đầu đời trở nên cáu bẳn với người thân, ngại ngần giao tiếp với xã hội. Hàng xóm láng giềng nhìn thân hình gầy guộc, ngày ngày lầm lũi ra đi và trở về vào giờ giấc bất thường của con trai bà thì xì xèo “chắc nó nghiện”. Hơi đâu mà nghĩ suy trước lời bàn ra tán vào của thiên hạ. Nhưng cũng có lúc đang ngồi tư lự bên ô cửa sổ dõi ra xa xăm, bà Điển giật mình “hay nó nghiện thật!”. Bà làm sao biết được điều đó. Đàn ông hơn bốn mươi tuổi đầu rồi, đâu còn là cậu thanh niên ngày trước. Vô duyên vô cớ bảo nó đi xét nghiệm này nọ, nó nổi khùng lên thì chết. Bà hãi nó giận. Nó giận sẽ đập phá đồ trong nhà hoặc ra ngoài làm việc gì bậy bạ ông bà không kiểm soát được thì còn nguy hiểm hơn. Bây giờ khoảng cách giữa bà và nó rộng lắm, như hai thế giới cách biệt.
Ông bà Điển sinh được hai đứa con, một gái, một trai. Ai cũng tưởng thế là gia đình bà hoàn hảo, bà được mãn nguyện. Ông có cửa hàng đồng hồ, bà làm công ăn lương. Con cái đẹp như tranh. Nhưng nào ai biết, bà đã phải sống một cuộc sống đắng cay bao nhiêu năm trời bên người chồng sớm thay lòng đổi dạ, cạn tình nghĩa với người đầu gối tay ấp với mình. Ông Điển gia trưởng, cứ hơi tý lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Sau khi bà Điển sinh con thứ hai, nhan sắc giảm sút, ông Điển chán vợ, đi cặp bồ bên ngoài. Nhiều đêm dài mất ngủ, bà đau đớn nuốt nước mắt vào trong. Bà cắn răng chịu đựng cảnh đó vì nghĩ con cái cần có cả cha lẫn mẹ. Và chắc bà nợ gì ông kiếp trước, nên kiếp này phải gắn bó cả đời để trả nợ ông.
Bà vịn vào hai con mà sống. Từ khi còn bé tý, con gái đã hỏi bà: “Có phải mẹ thương em trai hơn con, đúng không?”. Bà Điển lườm yêu con gái mắng: “Chỉ được cái hay ghen tỵ với em, hai con đều là con của mẹ, mẹ yêu cả hai con như nhau”. Nó lại ôm chầm lấy bà Điển, hôn chùn chụt lên má bà.
Bà Điển nói vậy, nhưng trong thâm tâm bà tự biết, mình luôn nghĩ về con trai, luôn lo cho con trai nhiều hơn tất thảy. Bà không thể diễn tả được cảm xúc hạnh phúc trong lòng mình ngày sinh con trai. Có thể sự thiếu thốn trong tình cảm vợ chồng và muốn có một chỗ dựa dẫm sau này mà bản thân bà mong mỏi đẻ được con trai đến vậy.
- Con vừa đi làm về đấy hả con?
Bà thường đon đả hỏi con trai trước như thế để mong giữ được mối liên hệ với con trai. Bà sợ sự lầm lũi của con trai kéo dài, đến một ngày nào đó, dù bà hiển hiện trước mặt nó cũng như không. Hình như có bóng ai đó loáng thoáng đi ngoài cửa:
- Ai đấy con?
- Bạn con.
Còn đang ngạc nhiên trước câu trả lời cụt lủn của con trai thì dung nhan “bạn con” xuất hiện trước mặt bà:
- Xin chào!
Bà Điển mở to mắt hết sức có thể nhìn chằm chằm cái con ranh con đang vẫy vẫy bàn tay trước mặt bà. Giời ơi, mắt xanh mỏ đỏ choe choét, nó nghiêng đầu chào mẹ bạn trai như chào bạn nó thế hả, lại cười cười nhăn nhở thế nữa chứ. Toàn thân bà Điển sôi lên trong chốc lát. Một trăm phần trăm con trai lôi ca ve về nhà. Chưa biết phản ứng ra sao thì con trai nháy mắt bạn gái nó lên phòng riêng. Chân tay bà muốn xoắn vặn vào nhau. Chả có lẽ, bà cầm con dao lên cho chúng nó một trận. Đúng lúc ấy ông Điển cũng về. Bà càng lo.
Ông Điển nhìn thấy đôi dép của phụ nữ lạ lạ ở ngoài cửa. Nhìn ánh mắt ông, bà vội vã trình bày sự việc. Ông hằm mặt. Bà tự biết ý chạy ngay lên phòng con trai gõ cửa.
- Mẹ lạy con, con đưa bạn gái đi đâu thì đi chứ đừng đưa về nhà thế, bố con về rồi. Đi nhanh đi.
May mà lần này con trai nghe lời bà đưa con ranh con biến khỏi nhà ngay, không lại to chuyện. Ông Điển và con trai từ lâu đã chẳng hợp nhau. Bà có cảm tưởng nếu bây giờ con trai biến mất khỏi căn nhà này, ông Điển không những không lo mà có khi lại vui. Ở với ông Điển mấy mươi năm bà chẳng tài nào hiểu nổi ông ấy, giờ đã già cả với nhau, cũng chẳng cần hiểu để làm gì. Nhưng bà ước ao ông lo lắng cho đứa con trai tội nghiệp của ông bà một chút, lòng bà sẽ nhẹ nhõm hơn.
Chiều chiều con trai đi trông xe ở nhà hàng mợ nó. Tháng đâu được 2 triệu rưỡi. Tiền ấy nó tiêu còn không đủ, nên dù hơn bốn mươi tuổi đầu, con trai chưa bao giờ mua gì cho mẹ. Ngoài việc trông xe theo ca, nó làm thêm việc mình thích, nó mua loa cũ ở chợ về, đục đẽo chỉnh sửa rồi lại bán, nhưng cho đến bây giờ, loa nó sửa đã bán được cái nào đâu. Chỉ biết thỉnh thoảng không ngủ được, nó cưa thùng loa suốt đêm khiến hàng xóm mất ngủ. Sáng ra gặp bà Điển hàng xóm lại làu bàu. Bà Điển rất ái ngại vì việc này nhưng chẳng dám ý kiến với con trai. Ông Điển luôn nhăm nhe đuổi nó ra khỏi nhà, giờ bà nặng lời, nó sẽ bảo cả bà cũng muốn đuổi nó đi. Nó giận. Bà lại chùn lòng.
Bà chờ con trai đến quá nửa đêm. Bà không ngủ được khi con trai bà vẫn ở ngoài kia. Rồi tiếng cửa vang lên, đây là thứ âm thanh bà mòn mỏi mong đợi mỗi ngày.
- Sao mẹ còn thức làm gì?
- Mẹ chờ con.
- Có việc gì mà phải chờ. Đi ngủ đi.
Con trai cau mày đi thẳng lên phòng. Bà quen rồi. Bà đã quen với thái độ của con trai dành cho mình. Bà yêu nó vô điều kiện, bà sẵn sàng lo cho nó đến khi không còn thở nữa. Bà ngồi chờ, mong được nói chuyện với con trai về người bạn lạ hồi chiều của nó, làm sao bà yên tâm khi con trai qua lại với người như vậy. Con trai đi vụt lên phòng khi bà chưa kịp cất lời. Bà lặng lẽ khép cửa nhà, bà ngồi lọt thỏm trong bóng tối, đôi mắt khép hờ lim dim trên ghế sô pha rồi bà thiếp đi cho đến khi trời sáng.
Gia đình con gái hẹn đến chơi. Ông Điển miễn cưỡng đón tiếp. Nhiều khi bà Điển tự hỏi, trong cuộc đời chồng mình, điều gì là quan trọng? Ông dùng hết ngày để sửa đồng hồ, tối về ăn cơm, nhâm nhi rượu một mình rồi lên giường đi ngủ. Bao năm ròng mỗi ngày ông đều như thế, không buồn, không vui, không lo lắng xung quanh.
Hình như con gái là thứ ánh sáng duy nhất trong căn nhà của bà Điển. Nó luôn cười tươi rói trước mặt bà. Lần nào về nhà, nó cũng mua đủ thứ cho mẹ, nào quần áo, nào túi xách… Bà Điển có đi đâu mà nó mua cơ chứ. Bà thường nghĩ nó may mắn lấy được người chồng tử tế, vật chất đầy đủ. Bà có thể yên tâm về con gái.
Trong câu chuyện với con rể, bà biết vợ chồng nó phải vay mượn ít tiền để mua căn nhà mới. Bà chợt nhận ra lâu nay bà chưa làm gì cho con gái. Nhà con gái có chuyện lớn bé gì bà không hề hay biết. Trước mặt bà lúc nào nó cũng nói cười vui vẻ, bà làm sao biết được cuộc sống của nó gặp những khó khăn gì. Bao nhiêu vốn liếng bà dồn mua căn nhà này dự định để dành cho con trai, có mấy quyển sổ tiết kiệm bà cũng nghĩ phải để cho con trai… Tự dưng bà thấy mình thật không công bằng. Bà lên nhà, mở tủ tìm cái hộp đựng tiền. Bà dúi vào tay con gái bảo: "Lúc con đi lấy chồng mẹ đã không có gì cho, thôi bây giờ làm nhà, mẹ chỉ có từng này, chẳng đáng bao nhiêu nhưng con cầm cho mẹ vui".
Vài ngày sau gia đình con gái lại đến, nó đưa vào tay bà cuốn sổ. Hóa ra số tiền bà đưa nó, nó mang đi mua đất lo trước “hậu sự” sau này cho ông bà. Nó hiểu tình cảnh của em trai, nên một mình âm thầm lo cho bố mẹ trước. Bà Điển thấy cay mắt quá, bà có phần hối hận về ngày tháng cũ, và ngay cả lúc này, khi con gái làm bao nhiêu việc cho bà, bà vẫn nghiêng lòng mình lo lắng cho con trai.
- Mẹ à, em trai lớn rồi, mẹ còn định lo cho nó đến bao giờ?
Lời con gái thủ thỉ bên tai bà, không phải lời ghen tị với em trai như khi nó còn bé. Bà luôn lo cho con trai và con gái luôn lo cho bà. Bà luôn dõi theo con trai và con gái luôn dõi theo bà. Nghĩ đến con gái, bà tự thấy ông trời còn ưu ái bà lắm. Làm sao cùng một mẹ đẻ ra mà hai đứa con của bà tính tình khác nhau đến vậy.
Chiều ngõ nhà mát rượi. Bà Điển thích cảm giác thong thả đi lòng vòng quanh xóm. Từ lúc nghỉ hưu đến giờ bà có thời gian trò chuyện với hàng xóm hơn. Sau chuyện của con trai xảy ra với người đàn bà ở xóm cũ, nhà bà Điển bao năm khép cửa tránh mặt hàng xóm. Thời gian trôi đi, lòng người cũng vơi vợi. Ở đây, bà cởi mở với mọi người xung quanh hơn nhiều. Xóm nhà bà Điển là khu đất mới, lác đác vài gia đình ở đây lâu năm, còn lại mọi người đều chuyển từ nơi khác đến. Hầu hết các cặp vợ chồng còn trẻ nên chiều nào ngõ nhà cũng ríu rít tiếng trẻ con nô đùa. Lắm lúc ngồi chuyện trò cùng nhau, mọi người trong xóm trêu không biết việc sinh con gái có lây không mà xóm này đẻ nhiều “vịt giời” quá. Có bà mẹ trẻ không ngại ngần tuyên bố, sẽ đẻ tiếp đến khi nào có con trai thì thôi. Vì nhà này đã sinh hai con gái rồi, đang mang trong bụng cũng là con gái nốt.
Bà Điển lắc đầu: “Con trai, con gái, con nào chẳng được, miễn là nuôi nó lớn khôn, nó biết hiếu thảo với mình”. Bà Điển nói với hàng xóm như nói với lòng mình.
Bà biết thời đại này rất ít người còn quan trọng thái quá việc phải sinh bằng được cậu con trai như bà mẹ trẻ tuyên bố nhưng bà cũng biết, hầu hết mọi người không đẻ được con trai, trong lòng vẫn day dứt, buồn buồn. Và đẻ được cậu con trai rồi thì giống như bà, nâng niu các cậu ấm quá.
Bà Điển nhìn xa xăm nghĩ về con trai, con gái mình, hình như bà đã có sai lầm ở đâu đó, với con trai, con gái mình…
Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ